Tạm ngưng vận chuyển mua bán lợn nơi có dịch lở mồm long móng

Cơ quan chức năng địa phương nhận định, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh ở lợn do mắc vi rút lở mồm long móng (LMLM) sero type O.

Cán bộ địa phương đi chống dịch trên đàn lợn

Ngày 9/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk) cho biết, trong ngày 8/4 ở tỉnh phát sinh thêm 78 con lợn mắc bệnh LMLM xuất hiện ở huyện Krông Pắk. Nâng tổng số lợn mắc bệnh trên địa bàn tỉnh là 2.172 con, và đã tiêu hủy được 2.064 con, xảy ra tại 124 hộ, 76 thôn buôn, 32 xã phường, 10/15 huyện.

Trước đó, theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk vào ngày 03/4/2019, trên địa bàn tỉnh dịch bệnh ở lợn đã xảy ra tại 109 hộ, 70 thôn buôn, 30 xã phường, 10/15 huyện. Tổng số lợn mắc bệnh là 1.960 con, số lợn chết và tiêu hủy 1.852 con.

Trước diễn biến dịch bệnh ở lợn ngày càng phức tạp, ngày 26/3, UBND tỉnh Đắk Lắk ra Quyết định công bố, trên địa bàn toàn tỉnh 8 địa điểm có dịch LMLM là: Cư Kuin, Krông Bông, Krông Năng, Krông Pắk, Krông Búk, Ea Súp, thị xã Buôn Hồ và TP Buôn Ma Thuột. 5 huyện khác đang nằm trong vùng dịch uy hiếp là: Ea Kar, Lắk, Buôn Đôn, Cư M’gar, M’đrắk, Ea H’Leo và Krông Ana. Quyết định yêu cầu, trong thời gian có dịch, tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc cảm nhiễm với bệnh LMLM ra, vào vùng dịch.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk cho biết, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan chi cục đã cấp 52.000 liều vắcxin lở mồm long móng type O, 4.000 lít hóa chất, 30 tấn vôi bột cho các địa phương tiêm phòng, vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi; đồng thời tỉnh cũng tăng cường lập chốt chặn, kiểm tra việc vận chuyển buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn trên địa bàn.

UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, thị xã và thành phố tập trung mọi nguồn lực để dập dịch, thực hiện khẩn trương các biện pháp về phòng, chống dịch LMLM gia súc theo quy định. Các địa phương chưa có dịch LMLM gia súc, phải chủ động và tăng cường công tác theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh gia súc để xử lý kịp thời nếu dịch xảy ra.