Thị trường cà phê tuần qua (23/4 – 28/4/2012)

Khối EU đang đứng trước những biến động chính trị cục bộ khi những biện pháp thắt lưng buộc bụng không nhận được sự đồng thuận rộng rãi. Kinh tế Trung Quốc có thêm tháng thứ 6 liên tiếp tăng trưởng chậm lại khiến nhà đầu tư e ngại về xu hướng hàng hóa. Đồng USD mạnh đã gây áp lực lên giá cà phê…

thị trường cà phê

Đầu tuần, giá cà phê trên thị trường thế giới đồng loạt suy giảm trong phiên giao dịch đầu tuần theo xu hướng chung của hàng hóa.

Tại London, giá cà phê Robusta giao tháng 7 và tháng 9 đồng loạt giảm 12 USD, tương đương 0,59%, xuống còn 2.044 USD/tấn và 2.043 USD/tấn. Kỳ hạn giao tháng 5 cũng giảm 8 USD, tức giảm 0,4%, xuống còn 2.025 USD/tấn, mức giảm nhẹ hơn. Tại New York, giá cà phê Arabica chỉ giảm nhẹ khi kỳ hạn giao tháng 5 mất 0,15 cent xuống 177,7 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 mất 0,05 cent xuống 178,95 cent/lb. Khối lượng giao dịch ở cả hai thị trường sụt mạnh tới một nửa.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên không đổi, vẫn đứng ở mức 40.100-40.200 đồng/kg. Thị trường giao dịch đã kém sôi động khi lượng hàng cầm giữ trong dân theo nhận định của nhiều thương nhân là còn không nhiều.

Giữa tuần, giá cà phê thế giới có phiên tăng trưởng lên mức cao nhất tuần. Tại London, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5 không đổi trong khi kỳ hạn giao tháng 7 tăng 5 USD và giao tháng 9 tăng 6 USD để cùng lên mức 2.049 USD/tấn.

Giá cà phê Arabica tại New York tăng vọt rất ấn tượng sau chuỗi suy giảm kéo dài suốt 7 phiên qua. Kỳ hạn giao tháng 5 tăng 4,8 cent, tương đương 2,7 %, lên mức 182,5 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 4,55 cent, tương đương 2,54 %, lên mức 183,5 cent/lb. Mức tăng rất ấn tượng.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên có thêm 100 đồng, lên mức cao nhất tuần ở 40.200-40.300 đồng/kg, nhưng giao dịch cũng không sôi động.

Nguyên nhân tăng có từ nỗi lo tồn kho cà phê thế giới tiếp tục suy giảm và những dữ liệu tháng 4 của kinh tế Mỹ kém phần lạc quan.

Sau đó, giá cà phê thế giới suy giảm mạnh mẽ trên cả 2 sàn giao dịch. Tại sàn LIFFE, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 giảm 38 USD, tức giảm 1,85 %, xuống 2.011 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 35 USD, tức giảm 1,71 %, xuống 2.014 USD/tấn trong khi kỳ hạn giao tháng 5 giảm 41 USD, tức giảm 2,02 %, xuống còn 1.984 USD/tấn, mức giảm mạnh hơn.

Tại sàn ICE, giá cà phê Arabica rơi xuống mức thấp nhất tuần khi kỳ hạn giao tháng 5 mất tất cả 7,8 cent, tức mất 4,27 %, xuống mức 174,7 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 cũng mất 7,65 cent, tức mất 4,17 %, xuống mức 175,85 cent/lb.

Cuối tuần, giá cà phê Robusta tại London tiếp tục lao dốc xuống mức thấp nhất tuần. Kỳ hạn giao tháng 7 mất thêm 15 USD xuống còn 1.996 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 cũng mất thêm 11 USD để xuống còn 2.003 USD/tấn, trong khi giao tháng 5 mất 20 USD xuống còn 1.964 USD/tấn.

Giá cà phê nhân xô trong nước cũng mất tất cả 700 đồng, xuống đứng ở mức thấp nhất tuần là 39.500-39.600 đồng/kg.

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta thế giới mất 60 USD/tấn của kỳ hạn giao tháng 7 trong khi giá cà phê nhân xô trong nước cũng mất 700 ngàn đồng/tấn.

Nguyên nhân chính của sự suy giảm giá cà phê thế giới tuần này được cho là nỗi thất vọng vào gói giải cứu QE3 trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn khăng khăng rằng chính sách tiền tệ hiện nay là hợp lý. Nhà đầu tư tiếp tục bán tháo do Brazil và Indonesia đã cận kề với vụ mùa và khủng hoảng của khối Eurozone vẫn dai dẳng.

Tuy sắp bước vào vụ thu hoạch kỷ lục nhưng Brazil sẽ đưa ra những biện pháp thắt chặt để giá cà phê không thể giảm sâu, trong đó có biện pháp hỗ trợ vốn tín dụng cho nông dân và thu mua dự trữ thường xuyên. Vì thế, các nhà phân tích thị trường thế giới cho rằng, giá cà phê sẽ phụ thuộc vào động thái sắp tới của người Brazil. Rabobank cũng vừa đưa ra dự báo điều chỉnh giá cà phê Robusta của thế giới ở mức lạc quan hơn.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, vẫn duy trì mức trừ lùi 30 USD theo giá tháng 7 của London.