Thu nhập cao nhờ trồng mướp hương

Mướp hương là một loại mướp có vị ngọt, mùi thơm đặc trưng được nhiều người ưa chuộng. Loại cây này có thể trồng và bán được quanh năm trên thị trường. Trong nhiều năm qua, gia đình chị Mai Thị Mỹ Đức (tổ dân phố 6, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đã có thu nhập ổn định nhờ mô hình trồng mướp hương.

Khu vườn với diện tích hơn 7 sào của gia đình chị Đức là đất sườn đồi màu mỡ pha cát rất thích hợp trồng mướp hương. Hiện nay, 7 sào mướp hương mỗi năm mang lại cho gia đình chị nguồn thu nhập trên 300 triệu đồng. Chị Đức chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn cây mướp phát triển nhanh, nhiều trái, người trồng phải nắm vững kỹ thuật từ khâu ngâm hạt giống, giâm vào bầu tro cho tới việc xới đất, vun luống, đặt dây, cắt ngọn, bón phân và phun thuốc đúng kỹ thuật. Mỗi sào đất cần 180 cây giống, 1,3 tấn phân chuồng. Để mướp bảo đảm an toàn, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng; thường xuyên làm sạch cỏ, không để cỏ cạnh tranh dinh dưỡng với mướp; dùng nguồn nước sạch để tưới, tuyệt đối không sử dụng nước thải chưa qua xử lý; cần phải xới đất, vun cao trước khi cắm giàn”.

dak-lak-thu-nhap-cao-nho-trong-muop-huong

Giàn mướp đang phát triển xanh tốt sắp cho thu hoạch.

Gia đình chị Đức còn đầu tư lắp đặt hệ thống nước tưới phun mưa tự động về tận các gốc mướp; xây dựng giàn mướp đan bằng dây thép chắc chắn. Nhờ áp dụng các biện pháp chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn mướp hương của gia đình chị Đức có chất lượng và năng suất cao, quả mướp to với chiều dài khoảng 60 – 70 cm được các thương lái ưa chuộng, đặt hàng từ những lúc mướp bắt đầu leo giàn ra trái đầu tiên.

Tuy nhiên, hiện nay mô hình trồng mướp hương của gia đình chị Đức vẫn chưa áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGap, chủ yếu sản xuất theo nhu cầu tự cung tự cấp, bán cho các thương lái quen. Theo chị Đức, để mướp hương và các nông sản khác có thương hiệu, thị trường ổn định, rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để hình thành nên các vùng chuyên canh rau quả an toàn.