Trung tâm dạy nghề hàng chục tỷ đồng ở Đắk Lắk vắng bóng học viên

Trung tâm Dạy nghề thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) được đầu tư gần 15 tỷ đồng vừa được sáp nhập với Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở đây nhưng vẫn vắng học viên.

Cỏ mọc cao, um tùm, che hết cả lỗi đi, phòng học khóa kỹ, đến ổ khoa cũng gỉ sét… là thực trạng đang diễn ra ở Trung tâm dạy nghề thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk).

Trung tâm này được đầu tư xây dựng vào năm 2012 với tổng giá trị gần 15 tỷ đồng, với 6 hạng mục lớn gồm 2 dãy phòng học; 1 xưởng sửa chữa ô-tô, xe máy; 1 dãy nhà nội trú cho học sinh, giáo viên ở xa; 1 dãy nhà văn phòng sở; 2 dãy nhà bảo quản thiết bị.

Trung tâm này đào tạo các nghề như chăn nuôi thú y, trồng và khai thác nấm, trồng và chăm sóc tiêu, sửa chữa máy nông nghiệp, hàn…

Tuy nhiên, từ nhiều năm qua có rất ít học sinh theo học tại đây. Do đó, nhiều hạng mục công trình, trang thiết bị được cơ Nhà nước đầu tư đã hư hỏng, nhiều phòng học bị bỏ hoang, ký túc xá không có lưu trú.

Trung tâm dạy nghề (xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ) cỏ mọc rất cao và nhiều vật tư thiết bị nơi đây bị gỉ sét.

Theo ghi nhận của VTC News, Trung tâm có bốn khu vực thì chỉ một khu vực ở phòng đào tạo hoạt động, còn lại đều đóng cửa im ỉm. Phòng học gồm hai dãy nhà, lớp học được trang bị bàn ghế thiết bị đầy đủ nhưng bám đầy bụi bặm, hư hại nhiều do không có người học.

Dãy ký túc xá của giáo viên và học sinh bỏ hoang không sử dụng đến. Các phòng đều được khóa kỹ càng, những ổ khóa cũng gỉ sét vì để lâu ngày. Ngoài ra, hệ thống dàn máy tính cũ kỹ quá thời hạn sử dụng, hệ thống khác như nhà để xe, khu vực vệ sinh, sàn nền, kè đá… đều hoen ố, hư hại, nhiều điểm đã hư hại hoàn toàn và không thể sử dụng được.

Ông Phạm Phú Lộc – quyền Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) cho biết, Trung tâm dạy nghề thị xã Buôn Hồ vừa được sáp nhập với Trung tâm Giáo dục thường xuyên theo quyết định số 1115 của UBND tỉnh Đắk Lắk.

Phòng Thư ký tại trung tâm giáo dục thường xuyên thị xã Buôn Hồ đóng cửa trước giờ quy định. (Ảnh: Thanh Hải)

Phóng viên cũng tìm đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên (trú phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ). Nhưng tại đây, nhiều phòng từ cấp lãnh đạo đến các phòng ban đều khóa cửa trong giờ hành chính.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thức, giám đốc Trung tâm này cho rằng các phòng ở Trung tâm giáo dục thường xuyên bị khóa cửa có thể do học về sớm do công việc riêng, chứ hằng ngày vẫn làm việc đúng thời gian theo quy định.

Trước câu hỏi vì sao Trung tâm dạy nghề ở xã Ea Blang lại vắng người, cây cỏ mọc cao thì ông Thức cho hay, do học viên chưa đến buổi đi học nghề hoặc học buổi sáng rồi buổi chiều được nghỉ nên nhân viên ở đây giao lại cho bảo vệ.

Cơ sở hạ tầng tại Trung tâm dạy nghề xuống cấp.

Vị giám đốc cũng cho biết, việc sáp nhập Trung tâm dạy nghề và Trung tâm giáo dục thành một gây ra nhiều khó khăn về vấn đề nguồn nhân lực. Hiện trung tâm dạy nghề không có giáo viên dạy chính thức mà chỉ dạy theo dạng hợp đồng.

Bên cạnh đó, học viên đến đây học nghề đều ở trong buôn, làng của xã lân cận, do đó cán bộ của trung tâm buộc phải đến tận nơi để vận động, tuyên truyền để đi học… Ngoài ra, Trung tâm xây dựng đã lâu nên nhiều trang thiết bị, vật tư cũng xuống cấp, trong đó có ký túc xá giành cho giáo viên và học sinh bị bỏ hoang từ lâu.