Trường Trung cấp Kinh tế – kỹ thuật “xẻ thịt” đất công cho thuê kinh doanh trái quy định

Trường Trung cấp Kinh tế – kỹ thuật Đắk Lắk là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống công lập, được UBND tỉnh Đắk Lắk giao đất sử dụng vào mục đích giáo dục. Tuy nhiên, nhà trường lại sử dụng một phần đất này cho thuê để kinh doanh.

“Xẻ thịt” đất công xây dựng ki-ốt cho thuê kinh doanh

Trường Trung cấp Kinh tế – kỹ thuật Đắk Lắk có địa chỉ tại số 144 Phan Chu Trinh, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đã tự ý xây dựng ki-ốt ngay trên diện tích đất của nhà trường cho Hợp tác xã (HTX) Vận tải Thịnh Cường thuê đặt trụ sở kinh doanh thiết bị quản lý phương tiện vận tải.

HTX Vận tải Thịnh Cường đặt trụ sở kinh doanh ngay trước cổng Trường Trung cấp Kinh tế – kỹ thuật Đắk Lắk.

Tại đây, PV ghi nhận thực tế tuyến đường dọc hành lang bên trái của cổng trường đi vào HTX Vận tải Thịnh Cường “ngang nhiên” đặt biển quảng cáo về HTX và sản phẩm do HTX kinh doanh. Điều đáng ngạc nhiên khi chúng tôi tìm hiểu thông tin về HTX này thì tại Giấy phép kinh doanh số 400107000057 lại ghi rất rõ địa chỉ tại 144 Phan Chu Trinh, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, ngày cấp giấy phép 16/11/2017.

Việc xây dựng ki-ốt rồi cho thuê tại Trường Trung cấp Kinh tế – kỹ thuật Đắk Lắk đã trái với điều lệ hoạt động của nhà trường và mặt bằng đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt.

PV  đã liên hệ làm việc với bà Trần Thị Minh Lý – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế – kỹ thuật Đắk Lắk để tìm hiểu vấn đề trên.

Tại buổi làm việc diễn ra ngày 14/12, bà Trần Thị Minh Lý đã khẳng định: “Trường Trung cấp Kinh tế – kỹ thuật Đắk Lắk cho HTX Vận tải Thịnh Cường thuê đặt trụ sở để kinh doanh với mức giá 3 triệu đồng/tháng và HTX này đã đặt trụ sở tại đây được 2 năm rồi. Tất cả số tiền mà Trường thu được đều được đưa vào các khoản thu dịch vụ để chi vào một số nguồn như: cải cách tiền lương, quỹ phúc lợi… Và tất cả đều được đóng thuế đầy đủ”.

Bà Trần Thị Minh Lý (áo đen) tại buổi làm việc với PV

Khi PV tiếp tục hỏi bà Trần Thị Minh Lý về việc cho HTX Vận tải Thịnh Cường đặt trụ sở kinh doanh có đúng theo quy định hay không khi mà Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật là đơn vị sự nghiệp có thu, một năm nhà trường đang được tự chủ 26% nguồn ngân sách của nhà nước, thì bà Lý vẫn khẳng định rằng Trường hoàn toàn đúng, vì đã xin chấp thuận chủ trương. Vậy nhưng khi PV đề nghị được xem văn bản thể hiện chủ trương chấp thuận này và bản Hợp đồng thuê địa điểm giữa nhà trường và HTX Vận tải Thịnh Cường, thì bà Lý hẹn phóng viên vào một ngày khác do bà không quản lý giấy tờ.

Lòng vòng và mập mờ (!)

Theo lịch hẹn, ngày 19/12 PV Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã quay lại làm việc với bà Trần Thị Minh Lý. Tuy nhiên, khi PV đến thì có một người đàn ông xưng là Kế toán của trường được bà Lý “ủy quyền” cung cấp thông tin cho báo chí. Tại đây, người đàn ông này có đưa cho PV một bản sao của Công văn số 58/SGDĐT-GDTX-CN V/v phúc đáp đề nghị xây dựng phòng thực hành cho học sinh TCCN do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk ký ngày 11/01/2017.

Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk ký ngày 11/01/2017 V/v phúc đáp đề nghị xây dựng phòng thực hành cho học sinh TCCN.

Tại Công văn này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho phép Trường và một Công ty có tên: Công ty kinh doanh Thương mại Thiện Hải xây dựng phòng thực hành cho học sinh TCCN trên cơ sở sử dụng phòng học và một số trang thiết bị hiện có của nhà trường cùng với thiết bị do Công ty kinh doanh Thương mại Thiện Hải cung cấp chứ không phải HTX Vận tải Thịnh Cường (!?).

Khi PV yêu cầu cung cấp thêm hợp đồng chứng minh việc ký kết giữa trường và Công ty; chứng từ thu – chi về việc cho thuê địa điểm đặt trụ sở kinh doanh thì người đàn ông – được cho là kế toán, trả lời rằng “không thể cung cấp thêm bất kỳ giấy tờ liên quan nào khi chưa được sự đồng ý của lãnh đạo”.

Trái ngược với “lời hẹn” ở buổi làm việc hôm trước, khi PV yêu cầu bà Lý sang làm việc trực tiếp thì bà Lý chỉ đưa ra câu trả lời ngắn gọn “PV cần gì thì cứ sang gặp đơn vị chủ quản là Sở Lao động – Thương binh & Xã hội khi nào có ý kiến của đơn vị chủ quản thì trường mới cung cấp tài liệu được, vì trường không có quyền phát ngôn báo chí”.

Khi PV hỏi về sự “bất thường” tại CV này, bà Lý cố tình né tránh bằng việc “không có quyền phát ngôn báo chí” và trả lời: “Trước kia tên của HTX Vận tải Thịnh Cường là Công ty Kinh doanh thương mại Thiện Hải. Sau này họ đổi tên lại”.

Rõ ràng tại Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk chỉ đồng ý chủ trương xây dựng phòng thực hành chứ không hề nói đến việc xây dựng ki-ốt cho thuê vào mục đích kinh doanh.

Điều đặc biệt, Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk được ký ngày 11/01/2017, trong khi đó HTX Vận tải Thịnh Cường đến ngày 16/11/2017 mới xin đăng ký giấy phép kinh doanh (!?).

Khi PV trao đổi với nhân viên của HTX Vận tải Thịnh Cường thì được biết đơn vị này trước kia có tên là HTX Vận tải Thiện Cường chứ không hề có tên nào Công ty kinh doanh thương mại Thiện Hải.

Vậy Công ty Thiện Hải là công ty nào? Trước đó giữa Trường Trung cấp Kinh tế- kỹ thuật Đắk Lắk và Công ty Thiện Hải – tên Công ty tại CV này đã có ký kết như thế nào? Vấn đề thu – chi có được Trường Trung cấp Kinh tế – kỹ thuật Đắk Lắk công khai hay không? Cơ quan chủ quản có được báo cáo về hoạt động này hay không?

Chúng tôi xin gửi các câu hỏi này đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk để trả lời cho bạn đọc và dư luận.

Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Điều 173 Luật Đất đai thì tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ sau:

– Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này.

– Không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.

Đồng thời, Khoản 1 Điều 170 quy định về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất thì người sử dụng đất có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích.