Tùng “huế” và giấc mộng bá chủ sơn lâm nơi đại ngàn

Tự cho mình có “quyền sinh quyền sát” trong tay đối với giới buôn gỗ lậu, Đoàn Văn Tùng (SN 1962, tức Tùng “huế”, còn có tên gọi khác là Đoàn Văn Dương, ngụ tại số 8 đường Nguyễn Khuyến, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) thu nạp hàng chục đàn em máu mặt, nhiều tiền án tiền sự nuôi giấc mộng “ông trùm”.

1466579247-2725-ba-chu-son-lam-noi-dai-ngan

Chân dung Tùng “huế”

Bất cứ chỗ nào gỗ lậu đi qua “chốt” của Tùng “huế” đều phải chịu sự bảo kê của hắn. Khi các xe gỗ bị cơ quan chức năng kiểm tra, Tùng “huế” sẵn sàng chỉ đạo đàn em tấn công thẳng vào trụ sở kiểm lâm để cướp lại. Hành vi táo tợn của băng nhóm xã hội đen này gây nhức nhối khắp Tây Nguyên. Đặc biệt, Tùng còn nổi tiếng ngang tàng, không kiêng nể ai khi in danh thiếp hình cây búa và tên mình để lại hiện trường sau mỗi vụ cướp gỗ.

Tấn công trụ sở kiểm lâm để cướp gỗ

Từ cuối năm 1999 đến đầu năm 2000, hoạt động buôn bán gỗ lậu tuy không công khai nhưng trong thế giới ngầm lại vô cùng sôi nổi khắp các huyện lỵ của tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là các huyện Ea Sup, Buôn Đôn (giáp biên giới Campuchia), Lắk, Cư M’gar…

Để ngăn chặn tình trạng phá rừng tràn lan và trái phép, lực lượng kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đồng loạt ra quân, triển khai nhiều biện pháp trấn áp. Thời gian này, tuy cánh lâm tặc hoạt động kín đáo hơn nhưng chúng ỷ vào việc có đại ca Tùng “huế” bảo kê nên chỉ một thời gian ngắn sau đó, hoạt động vận chuyển gỗ lại diễn ra ngang nhiên, thậm chí có lúc còn công khai rầm rộ.

Tùng “huế” được xem như chỗ dựa để đám lâm tặc “tác oai tác quái” khắp các khu vực khai thác gỗ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bởi sự liều lĩnh và coi thường pháp luật.

Tùng thường mặc bộ quần áo rằn ri, đeo kính đen, miệng lúc nào cũng như cười khiến nhiều người đồn rằng, chỉ cần hắn không cười là y như rằng sắp có chuyện xảy ra, thường đó là ám hiệu mà mấy chục đàn em của hắn ai cũng hiểu đồng nghĩa với việc lập tức lao vào đánh nạn nhân thừa sống thiếu chết.

Thông thường, Tùng “huế” cắt cử đám đàn em đi theo các xe chở gỗ lậu để bảo kê cho các xe này chạy qua các trạm kiểm soát. Từ chốt kiểm lâm số 6 (thuộc địa bàn huyện Buôn Đôn) ra đến đường chạy về TP.Buôn Ma Thuột còn hai chốt khác của hạt kiểm lâm đều được các đàn em của Tùng “huế” đón lõng sẵn. Khi bị lực lượng kiểm lâm kiểm tra, hàng chục tên côn đồ mang theo vũ khí nhảy xuống từ xe chở gỗ sẵn sàng “ăn thua”.

Ngày 21/12/2001, khi xe chở gỗ lậu của Đào Văn Hải đi qua chốt số 6 thì tổ công tác kiểm lâm trong trạm nhận được tin báo trên xe có 3m3 gỗ cẩm lai vừa khai thác đang được lâm tặc vận chuyển ra ngoài. Khi tổ công tác yêu cầu Hải cho kiểm tra thì lái xe không những không chấp hành mà gọi điện thoại cho Tùng “huế”.

Chỉ hơn mười phút sau, hàng chục xe gắn máy chở vài chục đàn em của Tùng xuất hiện với đủ các loại dao, mác và cả súng tự chế chĩa thẳng vào nhóm ba cán bộ kiểm lâm trạm số 6. Cả ba người không ai dám nhúc nhích vì sợ nguy hiểm đến tính mạng. Sau đó, nhóm đàn em của Tùng dồn ba người vào một nhà công vụ, khóa trái cửa bỏ đi.

Sau phi vụ áp tải gỗ trót lọt, hàng chục đầu lậu gỗ tại Đắk Lắk lần lượt “quy thuận” Tùng “huế” khiến hắn càng vênh váo, tự đắc. Tùng vỗ ngực nói lớn với các đầu lậu: “Có thằng Tùng này, bọn mày cứ chuyển gỗ khỏi rừng thoải mái”.

Chưa dừng lại ở việc bảo kê các xe gỗ lậu qua các trạm kiểm soát, nhiều xe gỗ bị bắt và lập biên bản đưa vào trạm chờ xử lý cũng bị Tùng “huế” chỉ đạo đàn em tấn công thẳng vào trạm kiểm lâm để cướp lại.

Điển hình là vụ việc xảy ra ngày 29/1/2002. Lúc này trời còn chưa sáng rõ, các cán bộ thuộc lực lượng kiểm lâm TP.Buôn Ma Thuột đột ngột bị đánh thức bởi hàng loạt tiếng la hét và tiếng hô “chém, giết bọn nó” khắp nơi khiến ai cũng hoảng hồn không hiểu chuyện gì xảy ra.

Trước đó, xe tải chở 3,2m3 cẩm lai BKS 47K-6074 do lâm tặc Hồ Trọng Dũng lái. Khi xe gỗ lậu này chở gỗ từ huyện Ea Sup ra đến phường Ea Tam (thuộc TP.Buôn Ma Thuột) thì bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ. Lái xe Dũng không chấp hành việc đánh xe về trạm. Trước khi bỏ đi còn đe dọa nói sẽ có người xử lý nhóm công tác.

Một lúc sau, Tùng “huế” cùng ba đàn em thân tín là Bùi Thanh Vinh (tức Vinh “tồ”, SN 1967); Ngô Quang Thoại (SN 1965, tức Thoại “gà”) và Nguyễn Văn Hùng (tức Hùng “râu”, SN 1967) đến trạm kiểm lâm xin lại xe gỗ vừa bị bắt. Khi lực lượng kiểm lâm kiên quyết từ chối, Tùng “huế” lớn tiếng: “Bọn mày chưa thấy quan tài chưa đổ lệ hả? Chúng mày chưa biết tao là ai phải không? Rồi, chúng mày sẽ biết ngay thôi”. Tùng “huế” mở điện thoại di động gọi cho đám đàn em của mình.

Sau tiếng “alô” của đại ca, đám đàn em lập tức đi xe mô tô với kìm, búa, dao, mác kéo đến. Chúng phá cửa và dấu niêm phong xe tải vi phạm, tạo điều kiện để Hải vào điều khiển xe chạy ra ngoài. Cả 5 cán bộ kiểm lâm bị chúng dồn vào một góc, nhốt không cho gọi tiếp viện. Sau đó, nhóm côn đồ lên xe máy rời khỏi hiện trường. Biết thể nào lực lượng kiểm lâm cũng gọi người tới ứng cứu, trong đó có lực lượng công an nên Tùng “huế” cử vài đàn em ở lại, trà trộn vào dân chúng đến xem.

Thượng tá Văn Ngọc Thi (Nguyên Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự – PC45, Công an tỉnh Đắk Lắk), nhớ lại: “Ngay sau khi nhận được tin báo, tôi lập tức cử anh em trinh sát xuống nắm tình hình. Qua nhận định ban đầu, xe tải chở gỗ đã bị Tùng “huế” cùng đàn em đánh tháo, lực lượng kiểm lâm bị giam đã được giải cứu. Tùng và đồng bọn rất gian xảo khi cử đàn em ở lại nhằm mục đích dằn mặt những người chứng kiến. Họ nói nhỏ với chúng tôi cho được làm bản tường trình để tránh bị trả thù”.

Coi thường, thách thức pháp luật

Để thu thập bằng chứng về hành vi phạm tội của Tùng “huế” cùng đồng bọn, Thượng tá Thi cùng hàng chục trinh sát hình sự phải đóng giả là lái buôn gỗ từ ngoài Bắc vào tìm mua với số lượng lớn để tiếp cận.

Bên cạnh đó, các vụ cướp gỗ, bảo kê cũng được lần lượt tìm hiểu bằng cách bí mật tiếp cận các nạn nhân bởi khi đó nhiều người không dám cung cấp thông tin về vụ việc, sợ bị Tùng và đồng bọn trả thù.

Trong số các vụ bảo kê gỗ của Tùng “huế”, nổi cộm nhất là vụ Cư Jút (nay thuộc tỉnh Đắk Nông) năm 1999. Hồ sơ vụ việc còn ghi lại như sau. Khoảng trung tuần tháng 4/1999, hạt kiểm lâm Cư Jút phát hiện xe tải BKS 47L-2473 vận chuyển lâm sản lậu gồm nhiều m3 gỗ quý và lâm sản quý hiếm chạy từ hướng Đắk Min qua địa bàn Cư Jút về TP.Buôn Ma Thuột nên ra lệnh truy bắt.

Khi xe tải này chạy qua hạt, dù đã ra lệnh dừng xe nhưng chúng không chấp hành. Hạt kiểm lâm đã lường trước tình huống này nên đã chuẩn bị sẵn phương tiện (xe U oát – PV) để truy đuổi. Tổ công tác gồm 5 đồng chí kiểm lâm do anh Bùi Văn Hương cầm lái đuổi theo.

Đến trạm thu phí Cư Jút thuộc quốc lộ 14, xe chở gỗ lậu tông thẳng vào barie kiểm soát, mở hết tốc độ chạy trốn. Quá trình truy đuổi, xe U oát của lực lượng chức năng bị xe tải liên tục chèn ép, đồng thời bị lực lượng đàn em của Tùng “huế” liên tục cản đường. Chúng tìm mọi cách để xe chở gỗ chạy thoát khỏi địa bàn hạt kiểm lâm Cư Jút khiến lực lượng kiểm lâm địa phương này đành phải quay về.

Sáng hôm sau, khi tổ công tác kiểm lâm đang ngồi ăn sáng trước cơ quan thì bất ngờ Tùng “huế” dẫn theo hàng chục đàn em mặt đằng đằng sát khí xuất hiện. Khi mọi người còn chưa hiểu chuyện gì, Tùng hất hàm hỏi: “Thằng nào là thằng Hương hôm qua dám đuổi theo xe gỗ của tao?”. Anh Hương đứng lên nói: “Tôi là Hương đây, xe tải chở gỗ lậu và lâm sản vi phạm nên chúng tôi truy đuổi”.

Tùng chỉ chờ có thế để xem ai là tài xế đuổi xe gỗ của hắn liền xông thẳng vào anh Hương đánh đấm túi bụi. Thấy quán có con dao gọt hoa quả, gã vớ lấy đâm anh Hương nhưng không trúng. Sau đó, mọi người can ngăn, đưa anh Hương vào hạt để tránh xảy ra chuyện không hay.

Vụ việc thứ hai xảy ra vào tháng 11/2000. Đây là vụ việc cho thấy sự ngang ngược, táo tợn, thách thức các cơ quan pháp luật của Tùng “huế”. Nhận được tin báo có xe chở gỗ lậu số lượng lớn từ huyện Ea Sup qua địa bàn huyện Buôn Đôn, hạt kiểm lâm Buôn Đôn cử tổ công tác do đồng chí Đỗ Minh Kha làm tổ trưởng có biện pháp ngăn chặn.

Khi thấy xe chở gỗ đi đến, tổ công tác lập tức yêu cầu dừng xe kiểm tra. Phát hiện nhiều loại gỗ quý, lực lượng kiểm lâm tiến hành lập biên bản thu giữ. Lúc này, 4 thanh niên trên xe lập tức “nài nỉ” xin được bỏ qua nhưng anh Kha cùng đồng đội kiên quyết từ chối.

Sử dụng tiền mua chuộc không được, lập tức hai trong số bọn chúng rút mã tấu nhảy xuống khống chế tổ công tác để đồng bọn đánh xe tẩu thoát. Do lúc này là 2h sáng, đoạn đường vắng không có khu dân cư xung quanh nên không có ai ứng cứu lực lượng làm nhiệm vụ.

Khi xe tải chở gỗ đi khuất, hai tên có vũ khí cũng chạy vào vườn cafe gần đó trốn thoát. Anh Kha lập tức điện báo về cho hạt kiểm lâm Buôn Ma Thuột chặn bắt nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau sự việc, Tùng “huế” đã xuất hiện.

Hắn gặp anh Kha nói to: “Xe gỗ hôm qua là của tao. Mấy thằng đàn em nó hiền đấy, rút mã tấu mà chỉ kề cổ chứ phải tao, tao cho dao liếm thử da cổ mấy thằng mày rồi”. Nói xong, Tùng “huế” thản nhiên lên xe ra về như thách thức cơ quan chức năng.

In danh thiếp lưỡi búa

Tùng “huế” làm mưa làm gió suốt nhiều năm liền tại Đắk Lắk và các tỉnh lân cận, chủ yếu liên quan đến hoạt động bảo kê gỗ lậu. Tuy nhiên do hoạt động táo tợn, không có người đứng ra tố cáo nên hành vi của bọn chúng không bị các cơ quan chức năng xử lý khiến y càng ngông cuồng.

1466579247-1076-a-chu-son-lam-noi-dai-ngan-1

Danh thiếp của Tùng “huế” thể hiện sự ngông cuồng của mình

Thượng tá Thi nhớ lại một vụ việc mà Tùng “huế” ra oai với đám đàn em của hắn đến nỗi các nhà xe chở khách các tuyến qua Buôn Ma Thuột đều nghe lời Tùng răm rắp.

Nhận được tin một ông anh đi xe khách từ Nha Trang về Buôn Ma Thuột bị móc túi lấy một 2,6 triệu đồng. Người này và nhà xe cãi nhau mà không phân định được nguyên nhân do ai nên đã điện cho Tùng “huế” đến giúp.

“Một nhân chứng kể lại cho chúng tôi hay, Tùng đến ban đầu nói chuyện vài ba câu, cười nói bình thường nhưng khi y vừa quay lưng đi, đám đàn em lao thẳng vào lái xe đánh túi bụi khiến tài xế phải nhập viện. Vụ đó, nhà xe phải đền toàn bộ tiền cho hành khách – là ông anh của Tùng bị mất của”, Thượng tá Thi kể.

Sau vụ đó, hàng loạt nhà xe chở khách các tuyến khi được Tùng gọi điện nhờ vả, dù không hề muốn vẫn phải tìm cách vận chuyển cho hắn ít thì vài tấc gỗ, khi thì những món đồ gỗ, lâm sản trái phép đến địa chỉ Tùng yêu cầu. Có nhà xe bị lực lượng chức năng thu giữ gỗ, lâm sản không dám nói của Tùng “huế” vì sợ hắn “hỏi thăm” nên đành cắn răng chịu phạt số tiền lớn.

Điều đặc biệt ở Tùng “huế”, tuy hắn là giang hồ, thu nạp hàng chục đàn em nhưng rất thích ra oai và ăn diện. Gã in danh thiếp riêng có hình tam giác xanh và lưỡi búa, thậm chí còn in đầy đủ cả số điện thoại và địa chỉ nhà ở của mình để tiện trao đổi, làm ăn với đối tác mà không cần khiêng dè.

Sau này khi bị bắt, Tùng khai nhận, sở dĩ hắn làm danh thiếp vì muốn được oai như các giám đốc nhà nước khi đi làm ăn, đồng thời có danh thiếp để khẳng định tên tuổi của mình.

Hình tam giác xanh, theo cách giải thích của Tùng là biểu tượng cho núi rừng, cho vùng đất đại ngàn Tây Nguyên mà hắn bảo kê. Còn cây búa tượng trưng cho sức mạnh giang hồ của hắn. Các loại gỗ từ rừng ra phải có dấu búa của kiểm lâm mới được mua bán nên Tùng nghĩ rằng, dấu búa trên danh thiếp của hắn cũng có sức mạnh như pháp luật. Tất cả gỗ trên địa bàn Đắk Lắk nếu có “búa” của hắn sẽ được an toàn và hợp pháp.

Sau khi thu thập được rất nhiều bằng chứng về hành vi phạm pháp của Tùng “huế”, Thượng tá Văn Ngọc Thi cùng đồng đội tiếp tục truy tìm chiếc xe tải bị Tùng “huế” cùng đồng bọn giải cứu từ trạm kiểm lâm Buôn Đôn.

Sau khi chạy ra khỏi hạt kiểm lâm Buôn Ma Thuột, tài xế xe tải đổi BKS từ 47K-6047 sang 81K-2197 (biển giả) chạy về thôn 2, phường Khánh Xuân, TP.Buôn Ma Thuột. Chúng đổ gỗ lậu vào nhà đồng bọn của Tùng là Ngô Quang Thoại rồi chạy về phường Tự An thì bị các trinh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ.

Ngày 4/2/2002, sau khi đầy đủ chứng cứ vụ việc và hàng loạt các vụ bảo kê gỗ trên địa bàn trong 1 thời gian dài, Thượng tá Thi cùng đồng đội quyết định cất lưới. Lần lượt Tùng “huế”, Ngô Quang Thoại bị bắt giữ.

Tiếp đó, lực lượng hình sự bắt giữ Đoàn Văn Lộc (SN 1972, em ruột Tùng); Đoàn Văn Tuấn (SN 1980, con trai Tùng) cùng hàng chục đàn em của Tùng có liên quan. Đáng kể trong số này có Nguyễn Thị Hà (SN 1972, ngụ thôn 13, thị trấn Ea Sup, huyện Ea Sup) vốn là trùm buôn gỗ lậu.

Qua lời khai của Hà, các trinh sát nắm được, Hà cùng 15 đầu lậu gỗ khác tại Đắk Lắk và các địa bàn lân cận phải nộp “phí” bảo kê là 1,5 triệu đồng/m3 gỗ lậu qua băng nhóm xã hội đen của Tùng. Nếu ai không nộp sẽ bị bắt chẹt, dọa nạt hoặc gây khó dễ không thể làm ăn bình thường được.

Liên quan đến băng nhóm Tùng “huế”, nhiều cán bộ kiểm lâm bị Tùng mua chuộc để nhắm mắt cho qua nhiều phi vụ gỗ lậu cũng bị lực lượng điều tra làm rõ. Đây được coi là một trong những nguyên nhân khách quan khiến Tùng làm mưa làm gió, vỗ ngực xưng oai suốt một thời gian dài.

Ngay sau khi băng nhóm Tùng “huế” bị xóa sổ, tình hình an ninh trật tự đã được lập lại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tình trạng vận chuyển gỗ trái phép và nhiều lâm sản quý đã giảm hẳn. Sau đó không lâu, tháng 8/2002, Tùng “huế” cùng nhiều đàn em đã bị đưa ra xét xử công khai trước pháp luật, trả giá về hành vi ngông cuồng, coi thường kỷ cương phép nước của chúng bằng những bản án đích đáng.

Nguồn Baophapluat.vn