Tuyển sinh vào lớp 10 – Học sinh không phải đến trường THPT nộp hồ sơ

Năm học 2016-2017, các trường THPT không chuyên biệt công lập trong tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tuyển sinh lớp 10 theo địa bàn, tuy nhiên các em học sinh (HS) không phải đến trường dự tuyển trong tuyến nộp hồ sơ, mà công việc này do các trường trung học cơ sở (THCS) thực hiện.

Xét tuyển theo địa bàn

Theo kế hoạch huy động trẻ đến trường và tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2016-2017 của UBND tỉnh vừa ban hành, trên địa bàn tỉnh có 2 trường THPT tổ chức thi tuyển vào lớp 10 là THPT Chuyên Nguyễn Du và Dân tộc Nội trú Nơ Trang Lơng, 6 trường tuyển sinh theo phương án riêng, còn 47 trường THPT không chuyên biệt công lập xét tuyển theo địa bàn. Như vậy, các trường THPT không chuyên biệt chỉ được tuyển HS có hộ khẩu thường trú, tốt nghiệp THCS thuộc phạm vi địa bàn tuyển sinh do UBND huyện, thị xã, thành phố phân tuyến phù hợp điều kiện đến trường của các em. Ông Thái Văn Tài, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành chương trình phổ cập mầm non, tiểu học và THCS, do đó đối với các bậc học ở các địa phương phải huy động tối đa HS trong độ tuổi đến trường đi học. Riêng bậc THPT, các địa phương phải phân tuyến địa bàn tuyển sinh vào lớp 10 để đạt mục tiêu phân luồng sau THCS là 80% HS tốt nghiệp THCS vào học hệ THPT, còn lại học hệ bổ túc THPT hoặc học nghề”.

1464749837-1022-9581-images1148451-IMG-5774

Giáo viên chủ nhiệm lớp 9A, Trường THCS Ea Tu (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) giải đáp thắc mắc cho học sinh về công tác tuyển sinh vào lớp 10.

Trước đây, đối với hầu hết phụ huynh và HS lớp 9, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập “nóng” và căng thẳng như kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Để giành suất vào trường THPT công lập theo nguyện vọng, các em HS phải nỗ lực học tập trong suốt 4 năm học ở bậc THCS, đồng thời phải vượt qua kỳ thi này với tỷ lệ chọi khá cao, nếu là các trường trọng điểm, chất lượng “tốp đầu”. Vì vậy, dư luận xã hội từng lên tiếng về chuyện thi cử này vì tạo áp lực rất lớn không chỉ học sinh mà cả phụ huynh. Thực hiện chủ trương đổi mới của Bộ GD-ĐT, từ năm học 2015-2016, ngành Giáo dục thực hiện xét tuyển theo địa bàn, nhằm tạo thuận lợi cho HS và nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục trong việc tuyển sinh. Hình thức tuyển sinh mới này, lúc đầu thực hiện vẫn còn một vài ý kiến trái chiều, nhưng qua một mùa tuyển sinh đã nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, các trường trước đây không tổ chức thi tuyển. Và theo lý giải của lãnh đạo Sở GD-ĐT thì hiện nay hệ thống trường THPT trên địa bàn tỉnh khá đồng đều về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, vì vậy các trường THPT có trách nhiệm, cơ hội như nhau trong giảng dạy-học tập. Điều này có nghĩa, HS khá, giỏi không tập trung về một vài trường THPT có tổ chức thi tuyển mà phân bổ khá đồng đều ở tất cả các trường trong tỉnh (trừ THPT Chuyên Nguyễn Du), sẽ tạo không khí, động lực giảng dạy, học tập, từ đó góp phần nâng chất lượng giáo dục.

Bàn giao hồ sơ tuyển sinh

Từ năm học 2016-2017, để thuận lợi cho HS và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục trong việc tuyển sinh, Sở GD-ĐT chỉ đạo việc bàn giao hồ sơ tuyển sinh vào lớp 10 giữa trường THCS và trường THPT công lập xét tuyển sinh. Theo đó, Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường THCS phân loại hồ sơ HS tốt nghiệp THCS theo tuyến tuyển sinh, tổ chức cho các HS đăng ký dự tuyển vào trường THPT theo tuyến và gửi danh sách cho các trường THPT. Tiếp đó là nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển từ các trường THPT, hướng dẫn HS hoàn thành hồ sơ dự tuyển, bàn giao hồ sơ cho các trường THPT trên địa bàn. Trường THPT phối hợp chặt chẽ với phòng GD-ĐT, các trường THCS trên địa bàn có HS phân theo tuyến để nhận hồ sơ đúng quy định; cung cấp hồ sơ đăng ký dự tuyển (theo mẫu của Sở GD-ĐT) cho các trường THCS; cử thành viên thuộc Hội đồng tuyển sinh của nhà trường hướng dẫn HS thủ tục đăng ký dự tuyển, bổ sung một số giấy tờ theo quy định. Việc bàn giao hồ sơ tuyển sinh giữa 2 cấp học sẽ khắc phục tình trạng HS phải đến trường dự tuyển làm thủ tục tuyển sinh; thay vào đó lãnh đạo các trường THCS có trách nhiệm thực hiện việc này, chỉ những em trúng tuyển mới đến trường làm hồ sơ tuyển sinh, còn những em không trúng tuyển thì có thể đến nhận hồ sơ để chọn cho mình một hướng đi khác là học hệ bổ túc THPT hay học nghề.

1464749837-7250-8211-images1148452-IMG-4302

Trong tiết sinh hoạt đầu giờ, giáo viên Trường THCS Ea Hu (huyện Cư Kuin) đều định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Năm học 2015-2016, Sở GD-ĐT đã triển khai thí điểm công tác bàn giao hồ sơ ở huyện Krông Ana đã được dư luận đồng tình ủng hộ và năm học này nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Hữu Quát, Trưởng Phòng THPT (Sở GD-ĐT), ưu điểm của việc bàn giao hồ sơ tuyển sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HS. Chẳng hạn trước đây, nếu một trường THCS có 300 HS lớp 9, thì cả 300 em phải đến trường THPT dự tuyển mua hồ sơ và sau đó trở lại trường để nộp hồ sơ, chưa kể những sai sót trong quá trình làm hồ sơ, một số em còn mất cơ hội dự tuyển do không nắm chắc thời gian quy định của nhà trường. Còn khi bàn giao hồ sơ giữa trường THCS và trường THPT công lập xét tuyển sinh, HS đỡ mất thời gian, khắc phục những sai sót đáng tiếc và các trường THPT cũng giảm được một vài công đoạn trong công tác tuyển sinh vì các trường THCS đã làm trước một bước.

Nguồn Baodaklak.vn