“Vàng đen” thất thế, đừng hỏi chuyện cây tiêu mà buồn!

Huyện Ea H’leo là địa phương có diện tích tiêu lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, từng là cây làm giàu của nhiều hộ dân. Tuy nhiên, vài năm gần đây, giá trị kinh tế loại cây trồng này giảm sút thê thảm…

Hai năm liền rớt giá mạnh

Về huyện Ea H’leo đúng mùa thu hoạch tiêu nhưng không khí trầm lắng bao trùm từ các vườn tiêu đến các đại lý, điểm thu mua tiêu. Giá bán thấp khiến người trồng tiêu lâm vào cảnh lao đao, đơn cử như gia đình ông Nguyễn Sỹ Cung, thôn 1 xã Ea Hiao.

vang-den-that-the-dung-hoi-chuyen-cay-tieu-ma-buon

Nông dân thôn 7, xã Ea Sol, huyện Ea H’leo thu hoạch tiêu.

Cách đây 3 năm, thấy giá tiêu cao nên ông chặt 5 sào cà phê già cỗi và vay 200 triệu đồng để đầu tư trồng tiêu Phú Quốc, thế nhưng năm ngoái cho thu bói, chỉ bán được giá 70.000 đồng/kg, năm nay tiêu cho thu hoạch ổn định thì rớt giá mạnh hơn.

“Đầu năm nay giá tiêu còn ở mức 80.000 đồng/kg thì nay đã rớt thêm 20.000 đồng/kg, tiền nợ ngân hàng còn gần nửa chưa biết tính thế nào”, ông Cung xót xa.

Giá tiêu xuống thấp kỷ lục nên không chỉ ông Cung mà nhiều người tỏ ra chán nản với loại cây từng được coi là “vàng đen”; nhiều vườn tiêu đã chín đỏ cây nhưng chưa thu hoạch, số tiêu đã hái được phơi ngoài đường, trước cổng cũng chẳng lo bị trộm; một số hộ thì chưa hái tiêu mà tập trung… tưới cà phê.

Tương tự, anh Phạm Đình Toàn Đang thôn Tri C1, xã Đliê Yang tỏ ra khá thờ ơ khi nhắc đên cây tiêu: “Đừng hỏi chuyện cây tiêu mà buồn, nó thất thế rồi, giá thấp thế này ai mà trồng làm gì”.

Gia đình anh có 5 sào tiêu đã chín nhưng giá xuống quá thấp nên anh vẫn chờ thêm thời gian nữa mới thu hoạch. Ông Ksơr Y Thông, Chủ tịch UBND xã Đliê Yang cho biết, toàn xã có khoảng 300 ha tiêu, mấy năm trước, nhiều hộ vay vốn đầu tư trồng tiêu nhưng 2 năm nay, giá tiêu tụt xuống đáy nên lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần; người trồng tiêu loay hoay “bỏ thì thương, giữ thì tội”, một số hộ đang có ý định chuyển sang trồng cây khác.

Trên địa bàn huyện Ea H’leo hiện có 7.200 ha hồ tiêu, được trồng ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tập trung nhiều nhất tại các xã Ea H’leo: 1.074 ha, Ea Wy: 1.062 ha, Ea Sol: 1.020 ha, Ea Hiao: 841ha… Các loại giống tiêu được trồng nhiều nhất là Vĩnh Linh (chiếm khoảng 60% diện tích), còn lại là giống tiêu Phú Quốc, tiêu trâu, Srilanca…

Theo Phòng NN-PTNT huyện Ea H’leo, bên cạnh giá thấp, năng suất tiêu cũng giảm khoảng 5% so với vụ trước do 10 – 15% diện tích bị ảnh hưởng của bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng, mưa nắng thất thường và cơn bão số 12.

Trồng tiêu hữu cơ – hướng đi mới

Huyện Ea H’leo quy hoạch ổn định diện tích tiêu ở mức 3.500 – 4.000 ha vào năm 2020. Như vậy đến thời điểm này, diện tích cây trồng này đã vượt gần gấp đôi so với quy hoạch. Địa phương gặp rất nhiều khó khăn trước tình trạng nông dân chạy đua theo thời giá, ồ ạt chuyển đổi từ các cây trồng khác sang trồng tiêu bất chấp điều kiện thổ nhưỡng, đất đai không phù hợp, đẩy cây trồng này đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng, sản lượng tăng vọt dẫn đến rớt giá.

vang-den-that-the-dung-hoi-chuyen-cay-tieu-ma-buon

Vườn tiêu chuẩn bị thu hoạch của anh Nguyễn Thanh Minh tại thôn Tri C2, xã Đliê Yang, huyện Ea H’leo.

Nhằm tìm lối thoát cho tình trạng trên, huyện Ea H’leo xác định, thời gian tới sẽ đưa cây tiêu phát triển theo hướng bền vững, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định. Hiện trên địa bàn huyện đã hình thành một số cá nhân, tổ chức trồng tiêu theo hướng này, tiêu biểu như mô hình trồng tiêu sạch của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Ea H’leo tại xã Ea Sol.

Hiện, HTX tập hợp các thành viên sản xuất 50 ha tiêu hữu cơ theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt của Global GAP. Cụ thể, người trồng tiêu không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ năm thứ 2, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và phân xanh trong quá trình canh tác. Sản phẩm của hợp tác xã được một đơn vị độc lập phân tích, kiểm định về chất lượng, bảo đảm không có tồn dư các loại chất cấm và đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Về tiêu thụ, đơn vị đã liên kết với Công ty TNHH hương gia vị Sơn Hà (tỉnh Ninh Bình) bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, loại tiêu sạch được thu mua với giá cao hơn thị trường 30 – 35% và tối thiểu 99.000 đồng/kg bất kể giá thị trường thấp như thế nào; đối với sản lượng tiêu chưa đạt chuẩn loại một cũng được thu mua với giá cao hơn mặt bằng thị trường 3.000 đồng/kg.

Anh Nguyễn Đăng Long, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, trồng tiêu hưu cơ tuy năng suất không cao hơn trồng kiểu truyền thống nhưng vườn tiêu khỏe, tuổi thọ kéo dài, chi phí đầu tư thấp hơn nhưng giá bán ổn định. Thời gian tới, hợp tác xã sẽ phát triển diện tích trồng tiêu hữu cơ theo hướng liên kết thêm thành viên, tập trung diện tích quy mô lớn để áp dụng quy trình kỹ thuật đồng bộ, tạo ra sản phẩm với sản lượng lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh sản xuất bền vững, huyện Ea H’leo cũng ưu tiên cho các doanh nghiệp đến đầu tư cơ sở chế biến nhằm tiêu thụ sản phẩm tiêu, nâng cao chất lượng, qua đó tăng giá trị kinh tế cho cây trồng này.

Tuy nhiên, trước mắt huyện khuyến cáo bà con không nên phát triển diện tích tiêu trồng mới; trồng xen các cây trồng khác để cân bằng hệ sinh thái trên vườn cũng như hạn chế rủi ro từ cây tiêu; đồng thời, cần chú ý khâu vệ sinh vườn rẫy, chăm bón đúng kỹ thuật và hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật độc hại.