Vụ 500 giáo viên tại Đắk Lắk: Viễn cảnh mất việc đồng loạt không còn xa

Đắk Lắk vẫn chưa tìm được giải pháp thấu tình đạt lý nhằm giải quyết dứt điểm vụ hơn 500 giáo viên có nguy cơ mất việc. Trong khi chờ đợi câu trả lời chính thức, giải pháp tạm thời được huyện Krông Pắk đưa ra là tổ chức thi tuyển công khai để chọn ra 83 người đậu xứng đáng.

Điều này có nghĩa kết thúc kỳ thi tuyển, gần 500 giáo viên tại huyện này sẽ chính thức nghỉ việc. Nhận hợp đồng thì sai quy định trong khi cho nghỉ việc đồng loạt lại không nỡ, tỉnh Đắk Lắk thật sự đang bối rối?

vu-500-giao-vien-tai-dak-lak-vien-canh-mat-viec-dong-loat-khong-con-xa

Gần 500 giáo viên tại huyện Krông Pắk sẽ bị chấm dứt hợp đồng sau kỳ thi tuyển viên chức. Ảnh: H.LONG

Giáo viên thấp thỏm

Ngay khi huyện Krông Pắk xác định trong 578 trường hợp hợp đồng lao động trên địa bàn có 370 trường hợp có vị trí nộp hồ sơ và 208 trường hợp đang hợp đồng lao động ở 14 vị trí việc làm, hiện nay không có vị trí tuyển dụng. Trong thời gian tới, huyện Krông Pắk sẽ tổ chức tuyển dụng giáo viên với 83 chỉ tiêu. Như vậy, vài tháng nữa hàng trăm giáo viên tại huyện này sẽ chính thức bị chấm dứt hợp đồng.

Khi biết được thông tin này, cô Tuyết – giáo viên cấp 2 tại xã Ea Kly – cho biết: Rất nhiều giáo viên như cô từ khi được ký hợp đồng đến nay có thời gian công tác nhiều năm trong nghề. Cũng thuộc trường hợp giáo viên không đủ tiêu chuẩn xét tuyển biên chế nên cô Tuyết mong muốn địa phương sớm xem xét, tìm giải pháp căn cơ tháo gỡ những lo lắng của giáo viên. “Để chứng minh năng lực, chúng tôi luôn nỗ lực, hoàn thành tốt công việc được ban giám hiệu nhà trường giao. Chúng tôi là giáo viên, chỉ biết nộp hồ sơ xin việc. Sai là do người có chức quyền không cân đối chỉ tiêu biên chế, vị trí việc làm phù hợp” – cô
Tuyết nói.

Thầy D.X.S – giáo viên tiểu học tại thị trấn Phước An – nêu thực tế, giáo viên hợp đồng như thầy vốn lương thấp, các chế độ cho nhà giáo bấp bênh nên ai cũng cố gắng làm việc để đợi thi vào biên chế. “Từ ngày ra trường đến nay, chúng tôi đã cống hiến tuổi thanh xuân cho công việc nên giờ bảo nghỉ, chúng tôi thật sự suy sụp. Nếu từ đầu, người có thẩm quyền nói hồ sơ chúng tôi không hợp lệ, chúng tôi sẽ tìm công việc khác chứ không để rơi vào hoàn cảnh khốn khó như bây giờ” – thầy S nói.

Sai ngay từ đầu

Liên quan đến vụ việc, vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ về việc “thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo”. Nói về giải pháp, tỉnh Đắk Lắk đã giao huyện Krông Pắk khẩn trương khắc phục số lượng giáo viên đã hợp đồng thừa theo phương án đã đề ra. Huyện Krông Pắk đã và sẽ không giải quyết nhu cầu hợp đồng lao động mới cho các đơn vị và xây dựng kế hoạch điều động viên chức trường thừa đến trường thiếu cụ thể theo từng môn học.

Ông Miêng Klơng – Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk – cho biết, tình trạng dư thừa giáo viên tại huyện Krông Pắk đã diễn ra từ lâu và tỉnh vẫn đang tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ. Theo ông Miêng Klơng, Sở Nội vụ đang tham mưu tỉnh thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, đối với hơn 500 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng nếu không đậu biên chế, huyện Krông Pắk cần lên kế hoạch, tính toán giải quyết chế độ, chính sách theo đúng quy định của pháp luật đối với các giáo viên.

Có một thực tế là hiện Đắk Lắk vẫn còn chỉ tiêu biên chế đối với ngành giáo dục nhưng địa phương này không thể nhận số giáo viên bị chấm dứt hợp đồng tại Krông Pắk bởi quy định không cho phép. “Sở dĩ không giải quyết được vì theo quy định của Bộ GDĐT về khung năng lực và vị trí việc làm, phần lớn các giáo viên nằm ngoài chỉ tiêu biên chế đều đủ tiêu chuẩn về hồ sơ, bằng cấp” – ông Miêng Klơng giải thích.

Còn theo quan điểm của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội – ông không đồng tình với việc tỉnh Đắk Lắk tuyển dụng giáo viên ồ ạt và sa thải cũng theo kiểu phủi tay.

“Thực tế là nhiều địa phương vùng sâu vùng xa đang thiếu trầm trọng giáo viên trong khi huyện Krông Pắk lại dư hàng trăm người. Từ thực tế trên, chúng ta cần rà soát lại toàn bộ hệ thống quy định về chính sách giáo dục nói chung và chính sách tuyển dụng nói riêng. Đối với giáo viên cần phải có một quy định nghiêm ngặt, phải có tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình tuyển dụng chặt chẽ. Cạnh đó, Bộ GDĐT chủ trì xây dựng nên các quy trình, quy chuẩn, các tiêu chuẩn. Bộ Nội vụ và các bộ ban ngành cần tham gia xây dựng, áp dụng chung trong phạm vi cả nước” – Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói.