Vụ cà phê “đắng” và nước mắt của công nhân

Mặc dù cà phê đã chín khô, thời tiết vẫn nắng đẹp nhưng lãnh đạo Công ty Cà phê Đắk Đoa vẫn lệnh cho công nhân không được hái, kéo theo đó là những hệ lụy “mặn đắng” cho niên vụ cà phê năm sau.

1323241677.img

Do cà phê ngày càng giảm trọng lượng và sợ ảnh hưởng đến năng

suất cà niên vụ sau, một số gia đình công nhân được hái đã phải thuê

rất nhiều nhân công để hái thật nhanh

Cà phê chín khô ai được lợi?

Sau khi Công ty Cà phê Đắk Đoa đưa ra phương án giao- nhận khoán “nửa cứng, nửa mềm” giai đoạn 2011-2015, đã bị hàng trăm công nhân phản đối. Nhiều tháng nay, công nhân thường xuyên tập trung trước cổng công ty để mong được thay đổi phương án giao- nhận khoán mới, nhưng họ đều ra về trong nước mắt…Sự việc này kéo dài nhiều tháng nay, dẫn đến việc thu hoạch cà phê giữa công nhân và công ty không có sự đồng nhất.

Trước tình trạng cà phê trên cây đang dần chín khô, cách đầy chừng nửa tháng, lãnh đạo Công ty Cà phê Đắk Đoa (Vinacafe)- ông Lê Ngọc Ánh đã ra lệnh cho công nhân lên đồng thu hoạch cà, và toàn bộ số cà sau khi thu hoạch phải được chở về công ty. Trước phương án này từ phía lãnh đạo công ty, hàng trăm công nhân đã không đồng ý. Bởi họ cho rằng tiền lương thì công nhân “tự trả cho mình”, nên nếu chở hết cà về công ty thì không biết công ty sẽ chia cho công nhân như thế nào?

Trong khi mong chờ phương án mới của công ty, hơn 200 công nhân đã nhất trí đưa ra một phương án tạm thời cho niên vụ này đó là dựa theo phương án giao khoán của Công ty Cà phê Ia Sao 1, công nhân sẽ nộp khoán cho công ty 3,5 tấn cà phê tươi/ha (vẫn cao hơn so với Ia Sao 1 hơn 5 tạ/ha) cho niên vụ này, và chờ mong một phương án giao- nhận khoán mới từ phía công ty.

Sau khi phương án nộp 3,5 tấn cà phê tươi/ha, của công nhân được trình lên lãnh đạo Công ty Cà phê Đắk Đoa, toàn bộ công nhân đã được lên đồng thu hái cà, và mỗi ha cà thu hoạch đều được cán bộ của công ty và các đồng chí Công an huyện Đắk Đoa đến giám sát chặt chẽ.

Những tưởng, mọi việc đã tạm ổn định thì bỗng dưng lãnh đạo công ty lại đưa ra một quyết định khiến công nhân khó hiểu là dừng việc thu hái cà trong 3 ngày.

“Thời tiết bây giờ đang là mùa khô, gió to, nắng lớn rất thuận lợi cho việc thu hoạch cà. Mặt khác, rất nhiều diện tích cà đã chín khô nứt trên cây, đồng nghĩa với việc trọng lượng của cà đã giảm đi rất nhiều, càng kéo dài cà càng không nhanh, thế nhưng lãnh đạo công ty không những không xúc tiến công nhân hái thật nhanh, mà ngược lại, lãnh đạo lại ra quyết định dừng hái cà khiến cà khô rụng hết xuống đất thì chúng tôi thật sự không hiểu nỗi quyết định này”, nhiều công nhân bức xúc cho biết.

Cả lô cà nhà mình trái chín đã khô trên cây và nhiều trái đã rơi rụng xuống đất nhiều ngày nay, nhưng gia đình công nhân Sơn vẫn chưa biết lúc nào mới được thu hoạch xót xa nói: “Cà nhà tôi cây nào cây nấy quả đã chín khô, nhiều quả khô nứt rụng đầy xuống gốc, tính ra chúng tôi mất cả vài tấn trọng lượng cà khi cân cho công ty rồi. Ấy vậy mà đến nay gia đình tôi vẫn chưa được hái cà và không biết đến ngày, tháng nào mới được thu hoạch”.

Mong manh niên vụ tới

Chu kì của cây cà phê từ khi ra hoa đến lúc thu hoạch kéo dài 1 năm, và hoa cà phê chỉ nở được 3-4 ngày, chính vì vậy việc thu hoạch cà phê đúng thời vụ là một trong những yếu tố khá quan trọng ảnh hưởng đến sản lượng cà phê vụ sau.

“Bình thường như mọi năm đến bây giờ chúng tôi đã gần như là thu hoạch xong hết cà phê rồi. Nhưng năm nay, chúng tôi vẫn chưa thu hoạch được 1/3 diện tích cà, và cứ tình hình không được thu hoạch như hiện nay thì chẳng biết lúc nào chúng tôi mới thu hoạch xong. Trong khi, cà chỉ cần thu hoạch muộn chừng hơn nửa tháng là sẽ khiến vụ sau cà ra hoa muộn, ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất. Không biết lúc này công nhân phải gánh hay lãnh đạo công ty gánh đây”, công nhân Nguyễn Hữu Vững chua xót nói.

Và một mong ước tha thiết nhất mà bấy lâu nay hàng trăm công nhân vẫn kêu cứu đó là cần có một phương án giao- nhận khoán mới, đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích giữa công nhân với ban lãnh đạo công ty.

Trước tình hình trên, ngày 18/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai- ông Phùng Ngọc Mỹ đã chủ trì cuộc họp các bên liên quan nhằm tìm ra hướng giải quyết thắc mắc của công nhân về phương án khoán của Công ty Cà phê Đắk Đoa. Tại cuộc họp ông Mỹ đã chỉ ra rằng, quy trình xây dựng phương án giao- nhận khoán của công ty là quy trình ngược, không thông qua người lao động, phương án chưa công khai, minh bạch nghĩa vụ và quyền lợi giữa các bên… Và một trong những nguyên nhân khiến việc khiếu kiện của công nhân kéo dài là do cung cách hành xử của Công ty Cà phê Đắk Đoa với người lao động. Điển hình là trong các văn bản của công ty gửi cơ quan có thẩm quyền có nêu vấn đề sẽ xử lý những trường hợp không chấp hành!

Và UBND tỉnh yêu cầu công ty giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện kéo dài, nếu không được thì Bộ Nông nghiệp & PTNT phải vào cuộc; nếu tình trạng khiếu kiện vẫn tái diễn thì UBND tỉnh sẽ đề nghị thu hồi lại đất mà đã cho công ty thuê.

Nguồn Báo xã luận