Vụ nữ hiệu trưởng bị tố lừa tiền tỉ nhà chùa – Công an chậm xử lý?

Mặc dù cơ quan Công an đã tiếp nhận đơn tố cáo của bà Đặng Thị Trang (SN 1972, ở huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) phản ánh việc bà bị tố cáo lừa đảo và tung clip xấu lên mạng xã hội, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Trước đó, bà Đặng Thị Trang (SN 1972, trú tại số 4-6-8 đường Lê Lợi, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) – Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Họa Mi, đã làm đơn tố cáo ông Trần Cao Trận – Pháp danh Thích Huyền Quang Thiện – Trụ trì chùa Pháp Bảo tại TDP 4, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk và những người đã đăng tải thông tin không đúng lên mạng xã hội để vu khống, xúc phạm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tính, nhân phẩm của bà Trang. Sau khi nhận được đơn, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã vào cuộc kiểm tra, xác minh.

Theo kết quả điều tra xác minh của cơ quan Công an, từ năm 2013, bà Đặng Thị Trang và ông Trần Cao Trận quen biết nhau. Sau một thời gian quen biết, ông Trận có tình cảm với bà Trang và thường xuyên gọi điện thoại, nhắn tin hỏi thăm sức khỏe, bày tỏ tình cảm yêu đương với bà Trang. Do bị bà Trang từ chối tình cảm nên ông Trận đã nói lại cho nhiều người biết trong đó có bà Phan Thị Lệ, Phan Thị Liễu, đồng thời làm đơn tố cáo bà Trang có vay số tiền 1 tỷ đồng và cưỡng đoạt tài sản 200 triệu đồng đến nay không trả.

Quá trình điều tra xác định những người có tên trên mạng Facebook như “Tiệc cưới Minh Lệ” là của bà Phan Thị Lệ; “Cathitina Phan” là của bà Phan Thị Liễu đều trú tại xã Quãng Tiến, huyện Cư M’gar, “Thảo Nguyên” của bà Nguyễn Thị Thanh Thảo trú tại Khối 6, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và các Facebook có tên “Thanh Nguyễn, Hiền Đô, Ân Ân, Nguyễn Minh, Lạc An” (đến nay chưa xác định được ai đứng tên) đã đăng tải nội dung bà Trang dùng mỹ nhân kế lừa đảo chiếm đoạt của ông Trần Cao Trận số tiền 1,2 tỷ đồng; chiếm đoạt của 4 tu sĩ khác số tiền 600 triệu đồng; bà Trang ăn nằm với “4 lão trọc” tức 4 thầy chùa ở huyện Cư M’gar (do bà Bạch Thị Dung trú tại 17 Lý Thường Kiệt, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) tung tin; đăng tải clip đồi trụy từ kênh mạng phản động An Lê; đăng tải đưa tin bà Trang cướp chồng của chị Phạm Thị Thảo hiện là giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh; đăng lên mạng bà Trang quan hệ bất chính với nhiều lãnh đạo chủ chốt của huyện Cư M’gar; đăng lên mạng bà Trang lừa đảo chị Đỗ Thị Thủy Tiên chiếm đoạt 5 tấn cà phê, lừa cô Nguyễn Thị Phương Oanh số tiền 100 triệu đồng; đăng tải bài viết với nội dung có mưu đồ ác ý sẽ có người hạ độc học sinh trường mầm non tư thục Họa Mi và kêu gọi phụ huynh chuyển con em họ đi nơi khác học và rải tờ rơi nhằm bôi xấu và hạ thấp danh dự nhân phẩm của bà Trang.

dak-lak-vu-nu-hieu-truong-bi-to-lua-tien-ti-nha-chua-cong-an-cham-xu-ly

dak-lak-vu-nu-hieu-truong-bi-to-lua-tien-ti-nha-chua-cong-an-cham-xu-ly

Trên một số địa chỉ Facebook đăng tải những nội dung vu khống bà Trang

Nhận thấy chính từ việc Phan Thị Lệ, Phan Thị Liễu, Nguyễn Thị Thanh Thảo, Bạch Thị Dung và các Facebook có tên “Thanh Nguyễn, Hiền Đô, Ân Ân, Nguyễn Minh, Lạc An” đăng thông tin, hình ảnh lên Facebook chỉ dựa vào những thông tin do ông Trận cung cấp, đã tự ý lan truyền thông tin đã làm ảnh hưởng đến uy tín danh dự, nhân phẩm của bà Trang. Hành vi của ông Trận và những người nêu trên có dấu hiệu của tội vu khống, tội phạm và hình phạt quy định tại Điều 122 BLHS thuộc thẩm quyền cấp huyện. Do đó, ngày 21/6/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk chuyển nội dung tố cáo trên đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Cư M’gar tiếp tục điều tra xử lý theo thẩm quyền.

Tuy nhiên đã hơn 6 tháng trôi qua nhưng cơ quan CSĐT Công huyện Cư M’gar vẫn chưa khởi tố vụ án hoặc không khởi tố vụ án và Quyết định khởi tố vụ bị can đối với các đối tượng trên về tội vu khống và Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.

Cho rằng, cơ quan CSĐT Công an huyện Cư M’gar đã có dấu hiệu vi phạm về thời hạn điều tra và không khởi tố vụ án, khởi tố bị can, kéo dài thời gian có dấu hiệu bao che tội phạm nên bà Trang đã tiếp tục làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của những người đã đăng tải thông tin không đúng lên mạng xã hội làm ảnh hưởng nghiêm đến danh dự, uy tính, nhân phẩm và tội tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy, khởi tố vụ án theo qui định của pháp luật; Yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cơ quan và người tiến hành tố tụng có vi phạm thời gian xử lý tin tố giác tội phạm và điều tra kéo dài. Ngoài ra, bà Trang yêu cầu những người có liên quan gây hậu quả nghiêm trọng phải bồi thường thiệt hại và công khai xin lỗi trả lại danh dự nhân phẩm cho bà.

Từ phản ánh của bà Trang về việc chậm trễ trong việc xử lý vụ việc, PV Báo Công lý đã trao đổi với đại tá Hà Khắc Nghinh – Trưởng Công an huyện Cư M’gar và được ông cho biết: “Hiện nay cơ quan CSĐT Công an huyện vẫn đang tiếp tục điều tra, xác minh. Do những đối tượng này sử dụng công nghệ cao nên chúng tôi đã gửi báo cáo xin chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk”.

Để có cái nhìn khách quan hơn về quy trình, quy định giải quyết đối với một vụ việc nêu trên, PV đã tham khảo ý kiến của Luật sư (LS) Th.S Trịnh Anh Hùng- Đoàn LS tỉnh Quảng Nam. Theo LS, về hành vi “Làm nhục người khác” được quy định tại Điều 121 BLHS; hành vi “Vu khống” được quy định tại Điều 122 BLHS và hành vi “Truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ” được quy định tại Điều 253 BLHS. Đối với hành vi “Truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ” thì không bắt buộc khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, chỉ xác minh và điều tra có hành vi trên thì khởi tố vụ án và khởi tố bị can.

Tuy nhiên, theo LS hai tội “Làm nhục người khác” và “Vu khống” việc khởi tố phải theo yêu của người bị hại theo quy định tại Điều 105 của BLTTHS năm 2015. Bà Trang đã làm đơn tố cáo và yêu cầu khởi tố nhiều lần, theo quy định tại Điều 100, 101, 103 BLTTHS, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Cư Mgar phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự trong thời hạn 20 ngày, trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp phải kiểm tra, xác minh nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết không qua 2 tháng. Kết quả giải quyết phải thông báo cho người tố giác và yêu cầu khởi tố biết.

Như vậy có thể thấy rằng, cùng thời điểm trên bà Trang có gửi đơn cho Công an tỉnh Đăk Lắc và ngày 21 tháng 6 năm 2017, Cơ quan cảnh sát Điều tra – Công an tỉnh Đắk Lắc đã ban hành văn bản số 1286/TB-PC45 về việc Thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố vụ án và chuyển cho Công an huyện Cư Mgar thụ lý giải quyết theo thẩm quyền. Vậy không hiểu vì lý do gì đến nay đã hơn 10 tháng Công an huyện Cư Mgar không thông báo kết quả giải quyết cho bà Trang? Điều này không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn không đảm bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Trang. Điều này cũng vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, đồng thời có thể dẫn đến hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” theo qui định tại Điều 294 của BLHS.