Vụ nước cuốn 2 cô gái trên sông Sêrêpốk: Quy trình gây chết người vẫn “đúng quy trình”!

Thủy điện Đray H’Linh 1 (Đắk Lắk) bất ngờ xả nước khiến hai cô gái đang đi hái rau rừng bị nước lũ (do thủy điện xả nước tạo ra) cuốn trôi. Trước tai nạn này, phía đơn vị quản lý nhà máy thủy điện Đray H’Linh 1 cho biết vận hành xả nước theo lệnh điều động bất ngờ của Trung tâm điều độ quốc gia.

vu-nuoc-cuon-2-co-gai-tren-song-serepok-quy-trinh-gay-chet-nguoi-van-dung-quy-trinh

Gia đình lo hậu sự cho một trong hai nạn nhân. Ảnh: Người Lao Động.

Và cũng đơn vị quản lý thủy điện Đray H’Linh 1 cho rằng, khi xả nước đã không có cảnh báo trước, nhưng đã vận hành theo đúng quy trình đã được Bộ Công thương phê duyệt.

Lại một lần nữa, quy trình chính là đối tượng phải gánh chịu tội lỗi, dù nó được chính con người tạo ra. Ba chữ “đúng quy trình” được nại ra còn lạnh hơn cả băng tuyết. “Đúng quy trình” có đồng nghĩa là sự hoàn thiện?

“Đúng quy trình” có bao gồm sự cảnh báo mang tính cố định là những cọc tiêu được cắm trong một khu vực xả nước nhất định. Còn mỗi lần xả nước, dù với lưu lượng như thế nào, cũng không có cảnh báo theo vụ việc, đơn cử như còi hụ chẳng hạn.

Chúng ta hãy thử đặt ra một phản đề: Nếu trước khi xả nước trong vòng từ 15-30 phút, đơn vị quản lý nhà máy thủy điện Đray H’Linh 1 cho còi hụ vài lần, người gần khu vực nguy hiểm nghe được và lánh đến vùng an toàn thì liệu có xảy ra cái chết thương tâm của hai cô gái?

Vậy thì quy trình đã không hoàn thiện, đã không tính hết được các mặt nhằm bảo đảm an toàn tính mạng con người. Quy trình đó đâu chỉ để phục vụ cho phía vận hành, mà còn phải bảo đảm an toàn cho cả những người dân trong khu vực mỗi khi thủy điện xả nước. Quy trình đó đâu chỉ để được cho đội ngũ kĩ sư của phía quản lý thủy điện mà không tính đến an toàn của cây trồng, hoa màu, vật nuôi, tài sản.v.v… của người dân phía hạ lưu.

vu-nuoc-cuon-2-co-gai-tren-song-serepok-quy-trinh-gay-chet-nguoi-van-dung-quy-trinh

Đoàn công tác của Bộ Công Thương khảo sát thực tế tại khu vực nước cuốn trôi 2 cô gái

Nếu một quy trình có sơ hở hay sai sót thì lỗi là nằm trong tư duy con người. Một tư duy vẫn còn nhiều lỗ hổng, chưa bao quát hết các tình huống và khả năng xảy ra. Điển hình ở đây là vài hồi còi hụ lên báo động cấp thời trước khi xả lũ. Làm đúng quy trình mới chỉ thể hiện về mặt trách nhiệm, kỉ luật công việc. Nhưng khi những quy trình có thiếu sót, việc chủ động sáng tạo đưa ra thêm các cảnh báo nhằm nâng cao hơn nữa sự an toàn cho các bên, chính là cái tâm trong bất cứ công việc gì.

Một quy trình hoàn thiện thì phải đặt sự an toàn lên hàng đầu, từ an toàn cho con người vận hành và những người chịu tác động đến sự an toàn cho nhà máy, cơ sở vật chất hạ tầng và các tài sản khác…

Hai người chết vì việc xả nước bất ngờ của thủy điện Đray H’Linh 1 “đúng quy trình” nhưng không có tiếng còi hụ. Vậy, Bộ Công thương sẽ tiếp tục với quy trình này hay sẽ cấp thời điều chỉnh, bổ sung khi mùa mưa lũ cũng đang đến gần?