Vụ phúc khảo “rớt thành đậu”: “Không phải là ‘con cháu’ lãnh đạo tỉnh!”

Sau khi bài báo có tựa đề “Tiếp vụ phúc khảo ‘rớt thành đậu’- Con cháu lãnh đạo chiếm đa số” được đăng trên báo Tiền Phong ngày 7/6/2018, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã có công văn phản hồi gửi báo Tiền Phong, cung cấp thông tin về cách tổ chức và giám sát kỳ thi, đồng thời khẳng định không có tiêu cực, ưu ái gì với các thí sinh là ‘người nhà’!

Không phải là “con cháu lãnh đạo tỉnh”!

Theo CV số 4625 ký ngày 8/6/2018, UBND tỉnh cho rằng đoạn dẫn chứng cụ thể trong bài báo đã đăng về một số thí sinh sau khi được chấm phúc khảo bài thi đã từ rớt thành đậu “là con cháu của nhiều lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk” là không rõ ràng, thiếu chính xác, gây hiểu nhầm về việc có ưu ái cho thí sinh là người nhà của lãnh đạo tỉnh.

dak-lak-vu-phuc-khao-rot-thanh-dau-khong-phai-la-con-chau-lanh-dao-tinh

UBND tỉnh khẳng định: “Trong 8 trường hợp phúc khảo có tăng điểm và có thay đổi xếp hạng lên vị trí đứng đầu tại vị trí tuyển dụng chỉ duy nhất 1 trường hợp thí sinh Nguyễn Thị Thu Hằng (SBD 0195) có bố là nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Ea Kar; 7 trường hợp còn lại đều là con của công chức bình thường; nhân viên, giáo viên nghỉ hưu; nông dân, tiểu thương… (có liệt kê tên và chức danh cụ thể). Còn theo thống kê chưa đầy đủ, có nhiều trường hợp thí sinh là con của lãnh đạo và nguyên lãnh đạo của các sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk đã dự thi và không trúng tuyển (công văn liệt kê 7 trường hợp).

Theo xác minh của phóng viên (PV), thì trong 8 thí sinh từ “rớt thành đậu”, có 1 thí sinh là con, 5 thí sinh là cháu cán bộ, cán bộ lãnh đạo đã hoặc đang công tác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ngoài trường hợp thí sinh Thu Hằng, còn có thí sinh Phan Thị L (cháu gái ông NQT- Bí thư Huyện ủy Krông Ana), Nguyễn Điệp Trúc Q (con gái ông NVQ- Phó phòng PC45 Công an tỉnh Đắk Lắk), Phạm Ánh H (cháu gái bà HTH – Phó Phòng LĐ-TB-XH huyện Ma Đrắk), Nguyễn Thị Mỹ H (cháu vợ ông TTG – Giám đốc Sở Tài chính Đắk Lắk), Đặng Xuân T (cháu ông ĐTT- Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Ea Súp).

Vậy nên thông tin nêu “con cháu lãnh đạo chiếm đa số” là không sai. Tuy nhiên, trong bài đã đăng, một câu ở lời dẫn đầu bài dùng từ không đúng, có thể gây hiểu nhầm cho bạn đọc, đó là câu “Những thí sinh từ “rớt thành đậu” hầu hết đều là con cháu lãnh đạo hai tỉnh này” (hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai).

Thực tế, như đã nói ở trên, 6/8 thí sinh đó là con cháu những cán bộ lãnh đạo chủ yếu thuộc cấp huyện, chỉ có 2 thuộc cấp sở, ngành tỉnh Đắk Lắk chứ không phải là con cháu lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk. Còn ở tỉnh Gia Lai, Thanh tra tỉnh cho biết thí sinh phúc khảo từ điểm rớt thành điểm đỗ là con một cán bộ tạp vụ ở Thanh tra tỉnh đã nghỉ hưu chứ không phải con lãnh đạo.

Với thông tin không chính xác này, báo Tiền Phong xin lỗi lãnh đạo hai tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và bạn đọc.

Cuộc thi và phúc khảo được tiến hành thế nào?

Theo CV số 4625, UBND tỉnh khẳng định không có việc ưu ái đối với thí sinh là người nhà của lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh; Kỳ thi đã được tổ chức nghiêm túc, công khai, minh bạch theo đúng quy chế và quy định pháp luật hiện hành; Việc điểm số sau khi chấm phúc khảo có tăng, giảm và giữ nguyên là việc thường xuyên xảy ra trong bất kỳ kỳ thi nào; Trong 96 đơn đề nghị phúc khảo với tổng số bài đề nghị phúc khảo là 182 bài, chỉ có 8 thí sinh sau khi có kết quả chấm phúc khảo đã thay đổi xếp hạng lên vị trí đứng đầu tại vị trí tuyển dụng.

CV số 4625 cho biết: “Khi chấm phúc khảo, Hội đồng thi tuyển đã thành lập Ban phúc khảo theo quy định; ban hành Quy chế phúc khảo, đăng tải và niêm yết công khai; đánh lại số phách của tất cả các bài thi được chấm phúc khảo; tổ chức chấm chéo giữa các nhóm chấm phúc khảo (đối với các bài tăng điểm) và đối chất với giám thị chấm thi lần 1 (đối với các bài thi có chênh lệch từ 10 điểm trở lên). Việc chấm phúc khảo có sự giám sát trực tiếp của Ban giám sát độc lập, Công an tỉnh và camera quan sát tại phòng chấm.

UBND tỉnh và Hội đồng thi tuyển đã tiếp nhận, tiến hành xác minh, xem xét, xử lý 9 đơn khiếu nại, 2 đơn kiến nghị và 1 đơn tố cáo nặc danh. UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại và ra quyết định giải quyết khiếu nại với từng thí sinh có đơn khiếu nại. Đối với các đơn khiếu nại, kiến nghị được nhận sau ngày 18/5/2018, UBND tỉnh, Hội đồng thi tuyển đang tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh đã thành lập Ban giám sát độc lập với Hội đồng thi tuyển và yêu cầu công an tỉnh cử cán bộ giám sát, theo dõi trực tiếp, chặt chẽ toàn bộ các khâu của kỳ thi. Các thông tin liên quan đến kỳ thi được niêm yết, đăng tải công khai, minh bạch tại các nơi quy định và trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.

Vì vậy, UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng có câu đã đăng trong bài trên báo Tiền Phong “cũng gây sự hiểu nhầm đối với dư luận”. Đó là câu“Sau khi chấm phúc khảo, nhiều thí sinh tham gia kỳ thi công chức tỉnh Đắk Lắk… bỗng nhiên từ “đậu thành rớt”, từ “rớt thành đậu”.

Theo quan điểm của báo Tiền Phong, thì hiện tượng từ “rớt thành đậu”, thậm chí từ nhóm thí sinh không đạt điểm đậu trở thành nhóm thí sinh có điểm cao nhất kỳ thi, là điều đã được chính UBND tỉnh xác nhận trong bản Thông cáo báo chí công bố ngày 29/5/2018, và ngay trong CV số 4625, ở đây vấn đề chỉ là cách nói: Cách nói quy chuẩn hành chính là từ vị trí không được xét tuyển dụng lên đứng đầu tại vị trí tuyển dụng.

Thực tế cho thấy, trường hợp thí sinh Thu Hằng có điểm tăng từ 30 (điểm liệt – PV) lên tới 97,5 điểm cao nhất tại vị trí thi tuyển là quá bất thường. Theo UBND tỉnh thì lỗi này “do giám khảo chấm thi lần đầu đem đáp án mã đề 4 chấm cho mã đề 3 của thí sinh”. Nếu vậy, thì giám khảo đã phạm lỗi rất nghiêm trọng nhưng vị giám khảo đó là ai, có bị xử lý kỷ luật gì không, thì PV đã liên hệ xin được làm việc với lãnh đạo Sở Nội vụ và UBND tỉnh Đắk Lắk nhưng chưa được đáp ứng.

Báo Tiền Phong không khẳng định có tiêu cực xảy ra tại cuộc thi này, mà chỉ phản ánh có dấu hiệu bất thường. Cũng phải nói rằng trong quá trình tìm hiểu, PV chưa được giải thích, cung cấp thông tin chủ động, kịp thời, đầy đủ từ nhà chức trách, khiến dư luận hoài nghi.