Xâm hại tình dục trẻ em và những nỗi đau để lại

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em để lại những hậu quả đau lòng. Nạn nhân của những đối tượng hiếp dâm không chỉ bị nỗi đau đớn về thể xác mà còn bị những dằn vặt, tổn thương nghiêm trọng về mặt tinh thần đeo bám cả cuộc đời…

dak-lak-hiep-dam-con-gai-hang-xom-550x374

Ảnh minh họa

Hơn một tháng sau khi bị những tên “yêu râu xanh” cưỡng hiếp, nữ sinh H’Đ. (SN 1999, trú tại buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) vẫn còn tâm trạng hoang mang, hoảng loạn, không dám tiếp xúc với người lạ. Tiếp chúng tôi trong căn nhà tuềnh toàng, bao phủ không khí ảm đạm, bố H’Đ. buồn bã nói: “Từ ngày cháu bị hại, gia đình bỏ bê cả chuyện nương rẫy, thay phiên nhau ở nhà canh giữ vì sợ cháu nghĩ quẫn, làm chuyện dại dột”. Còn mẹ cháu, thì không ngừng đưa tay lau hai hàng nước mắt, bà bảo: “Con bé ngoan ngoãn, đang học hành vui vẻ với bạn bè, thế mà sau ngày bị bọn xấu làm hại, cháu trở nên ít nói, tính tình cáu gắt …”. Bố mẹ phải động viên, thuyết phục lắm, H’Đ. mới dám bước ra, lí nhí thuật lại chuyện bị hại, gương mặt vẫn không giấu vẻ bàng hoàng. Trước đó, tối 8-10, H’Đ. nhận được điện thoại của một người bạn là Y Chiên Niê (trú tại buôn Gram A, xã Cư Bao) mời đi uống nước, tin tưởng bạn nên H’Đ. rủ em gái đi cùng. Sau đó H’Đ. bị một nhóm 7 đối tượng khống chế, chở vào rẫy cà phê thay nhau cưỡng hiếp rồi chở về bỏ gần nhà trong trạng thái bất tỉnh. Riêng cô em gái của H’Đ. may mắn chạy thoát được. Bố mẹ H’Đ. kể thêm, hai tuần sau ngày bị hại, em vẫn chưa hết nỗi ám ảnh, sợ sệt, đêm nằm ngủ cứ la hét ú ớ, ban ngày thì sống co mình, rất ngại giao tiếp. Mặc dù bạn bè học cùng lớp của H’Đ. thường xuyên đến nhà trò chuyện, động viên, song em vẫn không dám đến lớp, vì tâm lý xấu hổ với bạn bè. Giờ những lúc buồn, H’Đ. chỉ biết mở sách vở ra đọc cho khuây khỏa, đỡ nhớ bạn, nhớ trường…

So với H’Đ., nỗi ám ảnh về tinh thần cùng sự đau đớn về thể xác đối với em T.D. (SN 2000) còn lớn hơn, bởi thủ phạm chính là người cha nuôi của em. Theo hồ sơ vụ án, suốt 5 năm (từ tháng 6 năm 2010 đến tháng 1 – 2015), T. D. đã bị cha nuôi Y Hem Niê (SN 1997, trú tại buôn Tría, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) hiếp dâm mà đành chịu đựng âm thầm, sợ hãi. Vụ việc chỉ vỡ lở khi T.D mang thai và được sự động viên của gia đình, T.D. mới can đảm ra cơ quan công an tố cáo người cha nuôi đồi bại. Mặc dù thủ phạm đã bị trả giá cho hành vi phạm tội của mình, song chắc chắn sự tổn thương về tinh thần sẽ mãi ám ảnh trong ký ức của T.D.

Thạc sĩ Mai Quang Sơn, Trưởng bộ môn Tâm lý – Giáo dục, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk khẳng định, hầu hết trẻ em bị cưỡng hiếp, xâm hại tình dục đều mắc phải các sang chấn tâm lý ở những mức độ khác nhau. Những biểu hiện khủng hoảng về tâm lý dễ dàng nhận thấy nhất của trẻ bị xâm hại là: rối loạn giấc ngủ, hoảng sợ, khóc lóc, có những biểu hiện trầm cảm, rối loạn về ứng xử cũng như khả năng học tập, mặc cảm, sống co mình, ít nói, ngại giao tiếp… Nghiêm trọng hơn, do bị sốc về mặt tinh thần, cảm thấy không có lối thoát, nhiều trẻ em có suy nghĩ tìm đến cái chết. Ngoài ra trẻ em bị xâm hại tình dục còn có khả năng gây ra những lệch lạc về giới tính, nguy cơ lệch lạc về tình dục, sau khi trưởng thành có thể dẫn đến hành vi dễ dãi trong những mối quan hệ… Đặc biệt đối với trẻ em bị người thân trong gia đình xâm hại thì tổn thương về mặt tinh thần còn nặng nề hơn, khi các em mất niềm tin vào người thân, từ đó dẫn đến hệ quả là những mối quan hệ trong gia đình cũng bị ảnh hưởng, rạn nứt, đổ vỡ…

Để phòng tránh nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục, trong bối cảnh xã hội bùng nổ thông tin, ảnh hưởng lệch lạc từ những trang web đồi trụy, Thạc sĩ Mai Quang Sơn cho rằng, ngoài việc cần có biện pháp mạnh đối với loại tội phạm này thì cũng cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh, tự bảo vệ mình cho đối tượng thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em. Theo đó, các bậc phụ huynh cần quan tâm, chia sẻ những kiến thức về giới tính ngay khi con còn nhỏ, phân tích, chỉ rõ cho con biết những mối quan hệ nào là an toàn; dạy trẻ tuyệt đối không được đến nơi vắng vẻ, không tin tưởng vào người lạ; quan tâm tới những mối quan hệ bạn bè của con cái, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường trong sinh hoạt hằng ngày của con… Trong trường hợp trẻ bị sang chấn tâm lý nặng thì cần tìm đến bác sĩ tâm lý để kịp thời có những liệu pháp khoa học điều trị hiệu quả.

Theo thống kê của ngành Tòa án, trong năm 2015, toàn ngành đã thụ lý, giải quyết 51 vụ án hình sự liên quan đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Trong đó có 26 vụ giao cấu với trẻ em, 8 vụ dâm ô trẻ em và 17 vụ hiếp dâm trẻ em. Một cán bộ trong ngành nhận định: đây chưa phải là con số chính xác, bởi chắc chắn trong thực tế còn có nhiều vụ việc khác chưa bị phanh phui. Nguyên nhân một phần là do tâm lý “e ngại”, xấu hổ, lo sợ mất danh dự với bà con, lối xóm của chính những nạn nhân trong cuộc nên họ không đứng ra tố cáo…

Nguồn Baodaklak.vn