Xử lý chất thải ở nông thôn – Nỗi lo còn đó!

Để từng bước khắc phục ô nhiễm do rác thải ở vùng nông thôn, nhiều mô hình, cách làm hay đã được thực hiện nhằm góp phần cải thiện và bảo vệ môi trường; tuy nhiên, công tác thu gom và xử lý chất thải hiện vẫn còn là bài toán khó đối với nhiều địa phương.

Từ hàng chục năm nay, nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải sinh hoạt và sản xuất. Sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân trong việc vứt rác thải bừa bãi trên đường làng, ngõ xóm, kênh, mương, ao hồ, sông suối… và việc thiếu quan tâm, đầu tư kinh phí cho công tác này đã khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, dịch vụ vệ sinh môi trường ở vùng nông thôn chỉ mới phát triển nhỏ lẻ.

1467099537-9412-34-anh-kem-b-i-nguy-t-san-1

Chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở xã Bông Krang (huyện Lắk) xả thải ra môi trường sau khi sử dụng.

Đơn cử như ở xã Xuân Phú (huyện Ea Kar), lâu nay, mọi loại rác thải cả sinh hoạt lẫn sản xuất đều do người dân tự xử lý. Trong đó, rác thải sinh hoạt chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc xả thải ra khu vực sông Krông Năng nằm ở thôn 3 và thôn 7. Ngoài ra, các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, trấu, cùi ngô, sắn… một số được thu gom để ủ phân vi sinh, còn lại đốt làm tro bón ruộng, rẫy; chất thải trong chăn nuôi được xả thải trực tiếp ra môi trường… Dẫu người dân biết làm như vậy vừa gây lãng phí, vừa khiến môi trường bị ô nhiễm nhưng cũng đành chịu bởi địa phương chưa có dịch vụ thu gom và xử lý rác thải. Theo chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cán bộ địa chính xã Xuân Phú, chính quyền xã đã liên hệ với Công ty TNHH quản lý đô thị môi trường Buôn Hồ (chi nhánh huyện Ea Kar) để hợp đồng thu gom rác thải nhưng không được do xã nằm xa trung tâm huyện. Bên cạnh đó, địa phương cũng huy động các tổ chức, cá nhân thành lập dịch vụ vệ sinh môi trường nhưng không có ai đứng ra nhận. Hay như ở xã Cư Êlang (huyện Ea Kar) và xã Bông Krang (huyện Lắk) việc xử lý chất thải hiện đang thực sự là vấn đề nan giải khi địa phương đang gặp nhiều khó khăn do chưa có dịch vụ thu gom, điểm tập kết, xử lý chất thải, vì thế hầu hết các hộ gia đình đều tự chôn lấp hoặc đốt rác thải trong vườn nhà. Không những vậy, tập quán chăn nuôi gia súc thả rông xả thải ra môi trường; thói quen sinh hoạt, ăn ở chưa hợp vệ sinh như xây dựng chuồng trại chăn nuôi liền kề với nhà ở không đúng quy cách khiến tình trạng ô nhiễm môi trường càng nghiêm trọng hơn. Đã vậy, bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng không được người dân thu gom xử lý, mà vứt bỏ bừa bãi ngoài đồng ruộng, ao hồ, nương rẫy đã tác động đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Mặc dù ở một số địa phương đã thực hiện mô hình xây dựng bể chứa để thu gom chai lọ, bao bì sau sử dụng ở các cánh đồng, khu vực nương rẫy, nhưng theo cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh nếu khâu thu gom, xử lý làm không tốt, không bảo đảm quy trình thì sẽ càng gây hại hơn.

Không chỉ ở các xã vùng sâu, vùng xa, ngay cả những điểm chôn lấp, xử lý chất thải ở hầu hết các huyện, thị xã vẫn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Được biết, các bãi chôn lấp chất thải trên địa bàn tỉnh hiện nay đều chưa bảo đảm các quy định về môi trường, cách xử lý chủ yếu là phun thuốc diệt ruồi, chất khử mùi hoặc đốt, chôn lấp tại chỗ định kỳ 3 tháng đến 6 tháng/lần. Trong khi đó, chính quyền các địa phương đã bố trí địa điểm, xây dựng quy hoạch bãi xử lý rác tập trung như: huyện Krông Búk quy hoạch bãi rác mới rộng 11 ha; thị xã Buôn Hồ rộng gần 12 ha, huyện Cư M’gar rộng 10,5 ha… nhưng tất cả hiện vẫn đang còn “nằm trên giấy” vì không có nguồn vốn triển khai thực hiện. Theo ông Y Ka Nin M’lô, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, để xây dựng một bãi rác đúng quy chuẩn đòi hỏi phải đầu tư hàng chục tỷ đồng, tuy nhiên nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước chưa được bố trí mà việc xã hội hóa công tác này lại là điều không hề đơn giản.

Theo số liệu thống kê của Sở TNMT (năm 2015), trung bình mỗi ngày toàn tỉnh thải ra khoảng 442 tấn chất thải; trong đó, khu vực TP. Buôn Ma Thuột chiếm 43,6% (193 tấn). Mặc dù vậy, chỉ mới có 17 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; có 27/151 xã (chiếm tỷ lệ gần 18%) có tổ chức dịch vụ này và chủ yếu ở khu vực trung tâm xã, khu đông dân cư; tỷ lệ thu gom chất thải chỉ mới đạt 76% (mỗi năm tăng trên 3%). Thiết nghĩ, đã đến lúc phải có giải pháp cho việc thu gom và xử lý chất thải ở vùng nông thôn, bởi nó không đơn giản chỉ là vấn đề môi trường nông thôn mà tác động lớn đến cả môi trường chung xã hội, đảm bảo cuộc sống trong lành cho người dân. Để làm được điều đó cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền các cấp và sự chung tay góp sức của mỗi người dân trong công tác bảo vệ môi trường đặc biệt là công tác thu gom và xử lý chất thải.

Nguồn Baodaklak.vn