Xuất hiện “cả nhà làm quan” tại huyện Ea Súp?

Dư luận huyện Ea Súp đang đặt ra nhiều nghi vấn có dấu hiệu không minh bạch trong quá trình bổ nhiệm “cả nhà làm quan” tại huyện này.

Từ chuyện lãnh đạo nhiều hơn nhân viên…

Trao đổi với PV Pháp luật Plus về sự việc trên, ông Nguyễn Hoàng Giang – Bí thư huyện ủy Ea Súp xác nhận: 2 Ban Dân vận và Ban Tuyên giáo có 4 người thì 3 lãnh đạo và 1 nhân viên là đúng.

Theo quy định hai Ban này có biên chế từ 4 đến 6 người; lãnh đạo gồm 1 Trưởng Ban và không quá 2 phó trưởng ban. Theo quy định thì hai ban này mỗi ban có 3 lãnh đạo và 1 nhân viên là không có gì bất cập, thậm chí biên chế còn chưa đủ theo quy định.

Lý giải vì sao hai Ban này có đến 3 lãnh đạo chỉ 1 nhân viên, ông Trần Ngọc Điếp – Trưởng Ban tổ chức huyện ủy cho hay: Ban Dân vận huyện ủy có đặc thù là hay đi tiếp dân, nên phải bổ nhiệm lãnh đạo để đi tiếp dân có uy tín, lãnh đạo nói thì người dân dễ chấp nhận hơn là chuyên viên.

Còn Ban Tuyên giáo huyện ủy luôn phải làm nhiệm vụ giảng dạy chính trị, truyền đạt các chủ trương, nghị quyết của Đảng nên phải bổ nhiệm lãnh đạo để phù hợp với việc giảng dạy, truyền đạt chứ để chuyên viên làm nhiệm vụ này là rất khó thực hiện vì đôi khi những người tham gia học nghị quyết là những người có chức vụ như lãnh đạo các phòng ban.

dak-lak-xuat-hien-ca-nha-lam-quan-tai-huyen-ea-sup

Thị trấn Ea Súp, trung tâm của huyện Ea Súp nơi nhiều ban ngành trong huyện có số lãnh đạo vượt trội so với nhân viên.

Riêng Phòng Nội vụ có 4 lãnh đạo gồm 1 trưởng phòng 3 phó phòng trong khi Nghị định số 37/2014, ngày 5/5/2014 của Chính phủ quy định: Trưởng, phó trưởng phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện không quá 3 người.

Lý giải về sự việc này, ông Điếp cho biết: Sở dĩ Phòng Nội vụ có 4 người vì có 1 Phó phòng phụ trách công tác tôn giáo sau khi xác nhập Ban Tôn giáo huyện về Phòng Nội vụ. Còn lại 1 trưởng phòng 2 phó phòng phụ trách các công việc chuyên môn về Nội vụ.

Ông Nguyễn Hoàng Giang – Bí thư huyện ủy Ea Súp khẳng định: Công tác cán bộ được Ban thường vụ huyện ủy thực hiện theo đúng quy trình, đúng quy định.

Song dư luận đặt câu hỏi một Ban có 3 lãnh đạo, 1 nhân viên thì ai lãnh đạo ai, phải chăng lãnh đạo bổ nhiệm chỉ để đi họp, giảng dạy và tiếp dân?

Đến việc “cả nhà làm quan”?

Về Ea Súp người dân nơi đây không khỏi lời ra tiếng vào là gia đình ông Nguyễn Hoàng Vũ – Phó Bí thư huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện thì vợ là bà Trần Thị Lẹn làm Phó trưởng Phòng LĐTB&XH, con trai làm Phó trưởng Phòng Văn hóa – thông tin – trước đó là Phó chánh văn phòng HĐND – UBND huyện, và 1 con trai làm chuyên viên Phòng Tài chính – Kế hoạch.

Vấn đề này, Bí thư huyện ủy Nguyễn Hoàng Giang lý giải: Những người thân của Phó bí thư huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện Ea Súp được bổ nhiệm đúng quy trình.

Thậm chí bà Trần Thị Lẹn đủ điều kiện bổ nhiệm làm Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện nhưng vì có chồng làm Phó bí thư huyện ủy nên đã không bổ nhiệm mà điều người khác về làm trưởng phòng khi trưởng phòng tiền nhiệm về hưu còn bà Lẹn vẫn giữ chức phó phòng.

Hay trường hợp ông Trần Ngọc Điếp – Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy, vợ là hiệu trưởng, con trai làm Phó Ban kinh tế – xã hội HĐND huyện, mới đây người dân còn tố cáo con dâu ông Điếp đang là nhân viên hợp đồng tại huyện Đoàn Ea Súp nhưng đã được ưu ái bầu vào thường vụ huyện đoàn Ea Súp.

Về trường hợp này, ông Nguyễn Hoàng Giang, Bí thư Huyện ủy Ea Súp cho biết: Vợ ông Điếp được bổ nhiệm hiệu trưởng năm 2009, (năm 2009 ông Điếp làm Lãnh đạo Ban tuyên giáo huyện ủy.) trước khi ông Điếp làm Trưởng Ban Tổ chức huyện ủy Ea Súp năm 2013.

Vợ ông Điếp có nhiều thành tích trong công tác dạy học và làm quản lý giáo dục nên việc được bổ nhiệm hiệu trưởng là đúng quy trình và xuất phát từ sự cố gắng của bản thân.

Anh Trần Ngọc Ánh – Phó Ban kinh tế – xã hội HĐND huyện Ea Súp con trai ông Trần Ngọc Điếp là công chức thuộc UBND huyện quản lý được Thường trực HĐND huyện khóa trước giới thiệu, qua hiệp thương và được nhân dân tín nhiệm bỏ phiếu bầu.

Là đại biểu trẻ tại HĐND huyện nhiệm kỳ 2016 – 2021 nên khi cơ cấu bầu chức danh Phó Ban kinh tế – xã hội HĐND huyện Ea Súp chỉ duy nhất anh Ánh đủ điều kiện nên được HĐND huyện giới thiệu bầu giữ chức vụ này là phù hợp. Chức vụ này do HĐND bầu trực tiếp nên anh Trần Ngọc Ánh không có trong quy hoạch.

Còn trường hợp cháu vợ ông Điếp làm Phó chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Ea Súp do Cục thuế tỉnh Đắk Lắk bổ nhiệm không thuộc thẩm quyền của huyện Ea Súp. (Tuy nhiên, để được bổ nhiệm chức danh này thì phải qua hiệp thương với huyện ủy, UBND huyện để thỏa thuận nhân sự theo quy trình).

Cháu vợ làm Hiệu phó trường tiểu học của thị trấn là do đồng chí này thông thạo tiếng đồng dân tộc thiểu số, mà trường này là Trường Tiểu học thuộc 5 buôn của thị trấn Ea Súp nên được Ban thường vụ thống nhất cao, có trong quy hoạch nên được bổ nhiệm hiệu phó là phù hợp, đúng quy trình.

Về Ea Súp, hỏi về việc cả nhà làm quan thì các lãnh đạo cao nhất nơi đây đều nói đúng quy trình và bổ nhiệm đúng quy định, đảm bảo quy trình công tác cán bộ.

Nhưng người dân nơi đây luôn hoài nghi về cái đúng quy trình ấy. Có hay không việc sắp xếp để “cả nhà làm quan” trong công tác cán bộ ở huyện này.

Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra làm rõ quy trình bổ nhiệm cán bộ tại huyện Ea Súp có đúng với quy định của pháp luật, nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm minh.