Xuất khẩu cà phê tiếp tục gặp khó

Sự giảm giá liên tục của mặt hàng cà phê khiến không khí mua bán trên thị trường ảm đạm, nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó trong việc thu gom hàng phục vụ xuất khẩu.

Giá không ngừng biến động

Theo Sở Công Thương, tình hình xuất khẩu từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn, với kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh thực hiện tháng 8-2015 đạt 35 triệu USD, lũy kế 8 tháng 338 triệu USD, giảm 24,8 % so với cùng kỳ năm trước, đạt 45,07% so với kế hoạch năm. Riêng đối với mặt hàng cà phê nhân, trong tháng 8, xuất khẩu được 10.000 tấn, lũy kế 8 tháng được 112 nghìn tấn, giảm 34,06% về lượng, với kim ngạch xuất khẩu đạt 335 triệu USD. Do ảnh hưởng của thị trường thế giới, trong tỉnh giá cà phê giảm dưới 40.000 đồng/kg nên nông dân không bán ra vì không đủ chi phí sản xuất. Theo ông Trần Khải Nam Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nhịp điệu toàn cầu 123, từ đầu năm 2015 đến nay, giá cà phê đã giảm 35,49%, riêng trong 2 tuần đầu tiên của tháng 8-2015, giá cà phê thế giới đã tăng tích cực trên cả hai sàn giao dịch ICE Futures US (New York) và ICE Futures Europe (London) khiến giá cà phê nhân xô từ mức 35,3 – 36,1 triệu đồng/tấn tăng lên mức 37,3 – 38 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân chính khiến giá cà phê tăng là do triển vọng nguồn cung cà phê Brazil năm nay có thể giảm. Tuy nhiên, vào giai đoạn nửa sau tháng 8-2015, giá cà phê trên các sàn giao dịch đồng loạt giảm giá, khiến giá cà phê nhân xô trong nước giảm xuống quanh mức 35,5 triệu đồng/tấn. Giá cà phê giảm sâu là do các yếu tố khách quan của thị trường tài chính, chính trị toàn cầu chứ không phải do các yếu tố nội tại của ngành cà phê. Đó là đồng nội tệ BRT của Brazil mất giá và tác động tiêu cực từ việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ; khủng hoảng trên thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như ảnh hưởng từ sự mất giá không ngừng của hàng loạt đồng nội tệ của các nước xuất khẩu cà phê… Những yếu tố khách quan này khiến giá cà phê suy yếu xuống mức thấp nhất của năm 2015.

images1097559_cp1
Công nhân của Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi đang phân loại cà phê nhân.

Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu cà phê trong tháng 8 năm 2015 đạt 87 nghìn tấn với giá trị đạt 175 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm 2015 đạt 874 nghìn tấn, với tổng giá trị 1,79 tỷ USD, giảm 32,7% về khối lượng và 33,1% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Giá trị xuất khẩu cà phê ở 10 thị trường chính của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm 2014. Tại thị trường trong nước, giá cà phê biến động mạnh trong tháng 8, người dân thì cố gắng găm hàng với kỳ vọng giá phục hồi, trong khi giá cà phê dao động ở mức 35 triệu đồng/tấn nên không khí mua bán càng ảm đạm cũng là điều dễ hiểu.

Xuất khẩu gặp khó

Theo Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam, vụ thu hoạch cà phê mới sắp diễn ra, nhưng nhiều nông dân và tiểu thương vẫn còn găm hàng chờ giá, điều này sẽ gia tăng áp lực lên giá cà phê nội địa Việt Nam. Hiện tại, lượng tồn kho trong DN và trong dân còn khoảng 300.000 tấn. Ông Lê Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk cho hay, quý I và quý II vừa qua, các nhà xuất khẩu gặp khó trong việc thu gom hàng và xuất khẩu. 7 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu cà phê của đơn vị chỉ đạt 94 triệu USD, giảm khoảng 36% so với cùng kỳ 2014. Nguyên nhân được xác định là do nông dân trữ hàng từ đầu vụ chờ giá lên, việc này khiến DN xuất khẩu chịu sức ép lớn vì không gom được hàng trong dân. Ngay từ đầu năm, DN này đã có đơn đặt hàng của các đối tác kéo dài đến cuối quý III-2014, tuy nhiên, thời gian vừa qua, có một số hợp đồng đã ký với nước ngoài trước đó đến cận ngày vẫn rất lo là không đủ hàng để giao. Lý giải về điều này, theo ông Hùng, niên vụ 2014-2015, sản lượng cà phê cả nước mất mùa khoảng 20%, nhiều nông dân của tỉnh hy vọng “mất mùa thì được giá” nên họ cứ găm hàng để chờ giá lên vào cuối vụ, nhưng thực tế lại không phải như vậy, bởi với riêng mặt hàng cà phê trong nước thì nằm ngoài quy luật trên. Dù sản xuất ra được nhiều nhưng cà phê Việt Nam lại không khống chế được giá mà bị phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Bằng chứng là thời gian qua cà phê trong nước mất mùa lại bị mất luôn cả giá, đầu vụ 42.000 đồng/ kg, rồi hạ dần xuống mức dưới 40.000. DN xuất khẩu thì cần nhưng không mua đủ hàng xuất khẩu, trong khi đó, thông tin về mất mùa càng tăng thêm quyết tâm trữ hàng trong dân. Điều này khiến cả DN và nông dân đều chịu  thiệt. Với tình hình khan hàng như đã nêu, 6.000 đơn hàng trong 2 quý vừa qua được giao đúng hẹn để duy trì uy tín với các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu là cả một nỗ lực lớn đối với đơn vị. Việc người dân không bán hàng chờ giá lên đã khiến 2 quý năm 2015, DN xuất khẩu đã phải chấp nhận thiệt hại khi xuất hàng đi với giá trong nước cao hơn thế giới, tuy nhiên, giá cà phê thời gian tới vẫn rất khó đoán.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Cà phê vận chuyển ra container chuẩn bị xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.

Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các DN xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh, nhiều DN cho biết, đến nay vẫn chưa thu mua được hàng theo các hợp đồng ký kết, bởi mức giá hiện vẫn còn thấp, người dân không chịu bán, đơn cử như Công ty TNHH Anh Minh, Công ty TNHH Thương mại Phúc Minh,  đến thời điểm này xuất khẩu cà phê chưa đạt kế khoạch đề ra. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ tạo thách thức lớn đối với DN xuất khẩu cà phê hiện nay.

Nguồn Baodaklak.vn